Thanh tra các doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh: Phát hiện nhiều sai phạm
May mặc là một trong những ngành sản xuất đang góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động phổ thông địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp may mặc ở tỉnh ta hiện còn bộc lộ nhiều bất cập, sai phạm.
Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố kết quả thanh tra việc chấp hành các quy định về lao động, BHXH và bình đẳng giới tại 9 doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện đến 123 sai phạm.
Nhiều sai phạm!
Tại thời điểm thanh tra (tháng 5.2015), Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH phát hiện 3/9 doanh nghiệp chưa ký kết hợp đồng lao động với 92 lao động thuộc đối tượng phải ký hợp đồng lao động.
Cụ thể, Công ty May Hoàng Vinh chưa ký hợp đồng với 5 lao động; Công ty TNHH May mặc Huy Hoàng chưa ký hợp đồng lao động với 32 lao động; Công ty TNHH May Âu Lạc chưa ký hợp đồng lao động với 55 lao động.
Về vấn đề tiền lương, có 5/9 doanh nghiệp chưa xây dựng thang lương, bảng lương và gửi tới cơ quan quản lý nhà nước; 3/9 doanh nghiệp chưa trả tiền lương làm thêm giờ đúng quy định; 5/9 đơn vị chưa thực hiện đúng quy định về chính sách nghỉ ngày lễ, ngày nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng có lương, nghỉ việc riêng không lương...
Trong khi đó, vấn đề an toàn, vệ sinh lao động không sáng sủa hơn là mấy khi có tới 6/9 doanh nghiệp chưa thống kê lao động làm công việc độc hại, nguy hiểm; 4/9 doanh nghiệp chưa lập kế hoạch an toàn lao động và bố trí cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; 5/9 doanh nghiệp không có cán bộ làm công tác y tế; chưa tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; 5/9 doanh nghiệp chưa trang bị phương tiện sơ cứu khi xảy ra tai nạn lao động; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo quy định. Việc đấu nối điện tại các xưởng sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp đều chưa đúng quy cách, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, tại thời điểm thanh tra, chỉ duy nhất Công ty TNHH May mặc Able Việt Nam thực hiện đúng quy định việc trích nộp tiền BHXH hàng tháng. 5 doanh nghiệp khác chậm đóng BHXH. Tính đến tháng 5.2015, tổng số tiền còn nợ BHXH của 5 doanh nghiệp may này là 4,9 tỉ đồng.
Khái quát về các sai phạm trong thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp may Bình Định, ông Lê Hữu Long, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: “Các doanh nghiệp quy mô lớn (như Công ty CP May Phù Cát, Công ty CP May An Nhơn; Công ty CP Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Hưng Phát) vi phạm chủ yếu là chậm đóng BHXH, không phân loại lao động sửa chữa cơ điện là công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động để tổ chức huấn luyện, cấp chứng chỉ an toàn vệ sinh lao động theo quy định. Trong khi đó, doanh nghiệp quy mô nhỏ thì vi phạm nhiều chính sách lao động: trả lương làm thêm giờ không đủ 150%; không trả lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương; không trả khoản tiền tương đương số tiền tham gia BHXH vào lương để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện...”.
Cần nâng cao nhận thức pháp luật lao động
Bàn về nguyên nhân của những sai phạm nói trên, ông Long phân tích: “Thực tế cho thấy nhận thức của các doanh nghiệp may mặc quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh chưa đầy đủ. Hầu hết đã vi phạm về trả lương, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty May Nhà Bè tuy có vi phạm chậm nộp BHXH, nhưng vẫn thực hiện đúng chế độ tiền lương, tham gia BHXH cho người lao động; các chế độ nghỉ ốm, thai sản vẫn được doanh nghiệp tạm ứng đầy đủ”.
Công tác quản lý nhà nước về lao động tại địa phương còn hạn chế. Các doanh nghiệp được thanh tra đều đã hoạt động từ 2 đến 5 năm nhưng chưa được thanh, kiểm tra hoặc hướng dẫn pháp luật (trừ 2 doanh nghiệp lớn được kiểm tra chuyên đề Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động). Việc ít được thanh tra, kiểm tra kết hợp với hướng dẫn về pháp luật lao động từ cơ quan quản lý khiến cho các doanh nghiệp chủ quan, thiếu nghiêm túc.
Thông qua chiến dịch thanh tra lao động trong ngành may mặc năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH cũng tập trung vào hoạt động truyền thông nhằm trang bị cho giới chủ sử dụng lao động, tổ chức công đoàn và người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt chính sách, pháp luật lao động. “Sở LĐ-TB&XH Bình Định cần tăng cường thanh tra, tập huấn chuyên đề về lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động đối với doanh nghiệp quy mô nhỏ, sở hữu tư nhân. Đồng thời, Chánh thanh tra Sở kiểm tra việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra của Bộ, tiến hành xử phạt đối với doanh nghiệp tiếp tục vi phạm pháp luật lao động”, ông Long đề nghị.
Trong 9 doanh nghiệp may mặc được Bộ LÐ-TB&XH thanh tra, có 4 doanh nghiệp quy mô nhỏ (từ 20 đến 55 lao động), 2 doanh nghiệp quy mô vừa (157 đến 395 lao động) và 3 doanh nghiệp quy mô lớn (hơn 500 lao động, do Tổng Công ty May Nhà Bè giữ cổ phần chi phối). Từ ngày 1.1.2013 đến nay, cả 9 doanh nghiệp đều không xảy ra đình công, khiếu nại, tố cáo về lao động; không xảy ra tai nạn lao động nặng hoặc chết người.
NGUYỄN MUỘI