Quốc hội đồng ý phát hành 3 tỉ USD trái phiếu quốc tế
Sáng 11.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2016, trong đó nêu rõ việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế.
Việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ, trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia và chỉ thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, với tổng mức phát hành tối đa là 3.000 triệu đô la Mỹ (3 tỷ USD).
Cân nhắc vì có thể gặp rủi ro về tỷ giá
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, vì sẽ tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn để phát triển đất nước và tăng ngoại tệ quốc gia.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng, vì làm tăng nợ nước ngoài của quốc gia và có thể gặp rủi ro về tỷ giá.
Theo ông Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện tại, việc huy động các nguồn lực trong nước gặp nhiều khó khăn do thị trường phát hành trái phiếu trong nước chưa phát triển, trong khi áp lực vay để bù đắp bội chi và vay đảo nợ do bố trí cân đối ngân sách không đủ trả nợ đến hạn ngày càng gia tăng trong ngắn hạn từ nay đến năm 2018.
Do vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế trong năm 2015 và năm 2016 để vay vốn nước ngoài (không quá 3.000 triệu USD) nhằm cơ cấu lại nợ Chính phủ trong nước, giãn thời gian trả nợ, giảm đỉnh nợ, tuy có thể làm tăng nợ nước ngoài của Chính phủ hoặc phát sinh rủi ro về biến động tỷ giá, lãi suất, ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu trong nước như ý kiến ĐBQH đã nêu.
Nhưng xét về yêu cầu cấp bách trong thời điểm hiện nay là cần thiết vì như vậy sẽ huy động được vốn dài hạn hơn, chi phí vay vốn bằng hoặc rẻ hơn, đồng thời sẽ góp phần tăng cung ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ khi nền kinh tế đang có xu hướng nhập siêu, giảm áp lực đối với tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô.
Hơn nữa, việc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước với mức lãi suất hợp lý và thời hạn dài hơn sẽ giảm bớt áp lực trả nợ trong ngắn hạn.
Từng bước thực hiện khoán xe công
Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước 2016 cũng yêu cầu thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới hai triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của nhóm này đạt mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1.1.2016.
Từ ngày 1.5.2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của người có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng.
Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Giao các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương.
Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Nội dung đáng chú ý khác của Nghị quyết là tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, ngành, địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh…
- Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng, nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.019.200 tỷ đồng.
- Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng.
- Mức bội chi ngân sách nhà nước là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
(Nguồn: Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2016)
Theo V.V.Thành (TTO)