Ngăn ngừa nạn tự tử: Cần sự “chung tay” của cộng đồng
Gần đây, tình trạng tử tự trên địa bàn tỉnh Bình Định có phần “nóng” lên. Nếu trước đây, vấn nạn này chỉ xuất hiện đây đó ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn… thì nay xuất hiện ở nhiều địa phương, cả thành thị lẫn nông thôn. Đối tượng tự tử cũng đa dạng về nghề nghiệp, khác về độ tuổi.
Chỉ riêng trong tháng 10 vừa qua, theo thống kê chưa đầy đủ, đã xảy ra 4 vụ tử tử, làm chết 5 người. Ngày 13.10, vụ việc đau lòng xảy ra tại xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, nạn nhân là anh Phạm T. (28 tuổi). Ngày 28.10, một sinh viên là chị N.T.L. (19 tuổi, quê ở Đắk Lắc) được phát hiện đã tử vong tại bãi biển Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn. Tiếp đó, 3 giờ ngày 31.10, gia đình phát hiện anh H.V.M. (20 tuổi, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) treo cổ trên cây sau vườn…
Tính chung 6 tháng gần đây, tình hình tự tử tăng so với thời gian trước, với 19 vụ, làm chết 21 người; hầu hết là nam giới, người có nghề nghiệp ổn định, không bị bệnh lý nhưng vẫn tìm tới cái chết. Phương thức tự tử thông thường là treo cổ, cá biệt có hai trường hợp dùng xăng rưới vào mình sau đó tạt vào người khác đốt để cùng chết. Đó là vụ xảy ra tại phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn vào ngày 10.10 vừa qua, làm chết 2 người và vụ xảy ra tại Phù Mỹ đầu tháng 9 khiến 1 người chết, 1 người thương tích nặng.
Đại tá Thân Trọng Hải - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh, cho biết: “Qua thống kê, phân tích, chúng tôi cho thấy nguyên nhân xảy ra các vụ trên hầu hết xuất phát từ tâm lý, bệnh tình, hoàn cảnh thiếu thốn không có khả năng chi trả; không có người thân hoặc người thân mới qua đời. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là do chơi cờ bạc, số đề dẫn đến thua nợ, bị đe dọa nhiều lần nên quẫn trí tìm đến cái chết. Cá biệt có trường hợp là người chưa thành niên, do trong sinh hoạt có những hành động không phù hợp nên bị gia đình la mắng”.
Các vụ tự tử gây mất mát cho các gia đình; gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Do vậy, việc ngăn ngừa vấn nạn này là hết sức cần thiết.
Đa số người tự tử có vướng mắc, trở ngại trong cuộc sống, biểu hiện tâm trạng đau khổ, buồn chán, trầm cảm, ít tiếp xúc với người ngoài. Do vậy, không ai khác, chính người thân của họ khi phát hiện những dấu hiệu trên cần dành thời gian quan tâm, an ủi, động viên và hướng họ suy nghĩ đến những điều tích cực trong cuộc sống. Đặc biệt, với những người chưa thành niên, tâm sinh lý phát triển chưa bình thường nên có lúc không tránh khỏi có những suy nghĩ nông cạn, dễ dẫn đến hành động lệch lạc. Do vậy, cha mẹ, người thân phải hết sức gần gũi, thương yêu, động viên, giúp đỡ họ…
Đối với hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức làm công tác hòa giải ở cơ sở, cần gần gũi, gắn bó với nhân dân, kịp thời phát hiện những hoạt động sai trái, những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, những biểu hiện bất thường để kịp thời phối hợp, động viên, an ủi.
“Với lực lượng Công an, chúng tôi sẽ tham mưu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo toàn lực lượng tập trung tấn công, trấn áp mạnh mẽ hơn nữa tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn cờ bạc như số đề, cá độ… Đồng thời, sẽ tăng cường tuyên truyền để đông đảo nhân dân hiểu được hệ quả tiêu cực của tệ nạn cờ bạc để họ chủ động tránh xa vào con đường này, góp phần ngăn ngừa nạn tự tử trong thời gian đến” - Đại tá Thân Trọng Hải khẳng định.
KIM NGỌC