Hướng tới ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường (14.11): Đái tháo đường gia tăng đột biến
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng ngày càng quan trọng do lượng bệnh nhân mới không ngừng gia tăng. Cùng với đó là những nguy cơ lớn từ các biến chứng của ĐTĐ.
Những con số báo động
Theo thông tin từ Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh, trong 9 tháng đầu năm 2015, hoạt động khám sàng lọc ĐTĐ đã được triển khai tại TP Quy Nhơn và các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Tây Sơn. Kết quả, trong 2.940 người được khám sàng lọc, có 307 người mắc bệnh, chiếm 10,4%; cùng 785 ca tiền ĐTĐ, chiếm 26,7%. Đây là những con số cao bất thường, bởi tính cả năm 2014, toàn tỉnh chỉ phát hiện 175 ca ĐTĐ/2.855 đối tượng được sàng lọc (tỉ lệ 6%), số ca tiền ĐTĐ cũng chỉ ở mức 555 (tỉ lệ 19,5%).
Cũng cần phải nói thêm rằng, hoạt động khám sàng lọc ĐTĐ vẫn dừng ở phạm vi đối tượng và địa bàn khá hẹp, nên con số thống kê có được chưa phản ánh toàn diện độ phức tạp của bệnh. “Kinh phí dự án Quốc gia phòng chống ĐTĐ giao cho tỉnh còn thấp, không đủ để triển khai công tác khám sàng lọc trên diện rộng. Do đó, nhiều đối tượng còn bị bỏ sót”, bác sĩ Nguyễn Văn Tứ, Trưởng phòng Chỉ đạo nội tiết, lý giải.
Hoạt động xét nghiệm tầm soát ĐTĐ được tổ chức tại huyện Tây Sơn.
Trên lĩnh vực điều trị, số liệu thống kê cũng khiến chúng ta không khỏi giật mình. 9 tháng đầu năm 2015, khoa Nội tiết của BVĐK tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho 850 lượt bệnh nhân ĐTĐ - gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014. Theo bác sĩ điều trị của khoa Nội tiết Phan Châu Du, với sự phát triển của truyền thông và dịch vụ khám chữa bệnh, người dân có nhiều cơ hội nắm thông tin tình hình bệnh tật của bản thân. Cùng với đó, ĐTĐ gia tăng bất thường còn xuất phát từ chế độ sinh hoạt ít vận động và dinh dưỡng không hợp lý trong lối sống hiện đại.
Cần ngăn ngừa biến chứng
Đáng chú ý, cùng với sự gia tăng số ca mắc mới, các ca có biến chứng nguy hiểm cũng xuất hiện nhiều hơn. Trong số 20 ca ĐTĐ đang điều trị tại khoa Nội tiết, có 8 ca bị biến chứng bàn chân, 4 ca có biến chứng thận.
Ngày 15.10, bà Nguyễn Thị Liên (84 tuổi, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) được chuyển vào khoa Nội tiết với chẩn đoán nhiễm trùng ngón số 1 bàn chân phải - biến chứng của ĐTĐ type 2. Kết quả siêu âm Doppler cho thấy biểu hiện của hẹp động mạch chày trước chân phải. Bà Liên được chăm sóc vết thương, thay băng, cắt lọc vết thương hằng ngày, dùng insulin hạ đường huyết… Đến ngày 10.11, vết thương đã đỡ phù nề tấy đỏ.
Cũng bị biến chứng bàn chân ĐTĐ, nhưng ông Nguyễn Công Châu (60 tuổi, ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã nhiều lần điều trị tại khoa Nội tiết. Ngón giữa bàn chân trái của ông bị nhiễm trùng nặng. Thấy ông tỏ vẻ đau đớn khi được thay băng, bác sĩ Du trấn an: “Bác còn biết đau nghĩa là cái chân còn có cơ hội hồi phục đấy, chứ không có cảm giác gì thì dễ tháo bỏ lắm à!”. Tranh thủ lúc bác sĩ thăm bệnh, bà Nguyễn Thị Dung nói: “Ông xã tui vẫn còn bị mất ngủ, nửa tháng nay rồi mà chưa đỡ”.
Trong khi đó, biến chứng thận cũng gây nhiều nguy hiểm. Như bà Đỗ Thị Cười (74 tuổi, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước), bị ĐTĐ hơn 10 năm, nhập viện ngày 29.10 trong tình trạng phù toàn thân, thiếu máu nghiêm trọng, da niêm mạc nhợt nhạt. Ngoài ra, ĐTĐ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai phụ. Khoa Nội tiết đang điều trị cho bệnh nhân Trần Thị Dư (34 tuổi, ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát), đang mang thai ở tuần thứ 36. Căn bệnh ĐTĐ làm chị Dư suy kiệt cơ thể, nôn mửa liên tục, không ăn uống được. Các bác sĩ cố gắng điều trị kéo dài, 2 tuần nữa chị Dư sẽ sinh mổ.
Theo Trưởng khoa Nội tiết Nguyễn Hoàng Vũ, để hạn chế các biến chứng nguy hiểm của ĐTĐ, cần phát hiện sớm bệnh bằng cách tầm soát những đối tượng có nguy cơ cao. Cụ thể, cần tầm soát ở người trưởng thành có BMI ≥23 hoặc người có nhiều hơn 1 trong các yếu tố nguy cơ (ít vận động, có tiền sử gia đình, phụ nữ sinh con >4kg, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu). Bên cạnh đó, người mắc bệnh ĐTĐ cần kiên định trong việc thay đổi lối sống, tăng cường vận động, ăn uống đúng chế độ và tuân thủ điều trị.
NGUYỄN VĂN TRANG