Ngăn ngừa tội phạm ở tuổi thanh thiếu niên: Cộng đồng cùng chung tay
Tại Hội nghị sơ kết giai đoạn I (2011 - 2015) thực hiện Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Bình Định đến năm 2020, do UBND tỉnh tổ chức, các cơ quan, đơn vị liên quan đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phạm tội trong lứa tuổi thanh thiếu niên (TTN).
Gia tăng mức độ
Hiện tượng người trẻ tuổi phạm tội tăng bất thường trong thời gian qua, và đáng lo ngại là tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm. Đây là điều được nhiều người thừa nhận.
Hiện tượng TTN tụ tập thành băng nhóm cũng đang nổi lên rất rõ, diễn biến phức tạp. Đã có nhiều băng nhóm gây ra các vụ hỗn chiến náo loạn đường phố, khu dân cư, khiến nhiều người kinh hãi, gây mất ANTT, để lại hậu quả nghiêm trọng. Mới đây nhất là vụ việc xảy ra vào tối 19.10 giữa hai băng nhóm ở Quy Nhơn, với hàng chục đối tượng, 3 lần hỗn chiến trong đêm. Nguyên nhân dẫn đến hai bên thách thức và kéo băng nhóm, cầm hung khí xông vào rượt đuổi đánh nhau chỉ là từ một ánh nhìn khó chịu trong lúc đi vệ sinh tại một quán nhậu. CA đã bắt khẩn cấp 5 đối tượng Lê Bá Hiếu (SN 1986), Lương Văn Cường (SN 1988), Lê Duy Vỹ (SN 1994), cùng trú phường Lê Hồng Phong mâu thuẫn với Bùi Nguyễn Đức Trung (SN 1987, phường Trần Hưng Đạo) và Đào Duy Hùng (SN 1990, phường Thị Nại).
Ngăn chặn tình trạng TTN phạm tội là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
- Trong ảnh: Hội thi tìm hiểu pháp luật trong thanh thiếu nhi do Huyện đoàn Hoài Nhơn phối hợp tổ chức.
Còn vụ đánh nhau khiến 1 người thiệt mạng, 8 đối tượng bị tạm giữ để điều tra ở huyện Hoài Ân xảy ra vào tháng 8 vừa qua là hậu quả của một phút bốc đồng, hiếu thắng giữa 2 nhóm TTN.
Theo đại tá Nguyễn An Ninh, Phó Giám đốc CA tỉnh, tỉ lệ TTN dưới 30 tuổi vi phạm pháp luật đang chiếm tỉ lệ cao, đáng báo động, mà nếu không tìm ra nguyên nhân thì khó đề ra biện pháp phòng ngừa. Báo cáo của CA tỉnh cho thấy, từ năm 2011 đến tháng 8.2015, qua công tác điều tra, lực lượng CA xác định 3.830 đối tượng tham gia gây án, trong đó TTN chiếm 81,8%. Đối với tội phạm ma túy, CA phát hiện 86 vụ/226 đối tượng phạm tội, trong đó có 52 vụ/151 đối tượng trong độ tuổi TTN, chiếm 60,5% số vụ và 66,8% số đối tượng bị bắt giữ.
Trách nhiệm của cộng đồng
Thực tế cho thấy, một bộ phận giới trẻ hiện nay coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác và của chính mình. Họ sẵn sàng làm mọi việc để có thể thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, bất chấp nhu cầu đó có chính đáng hay không, việc làm của mình có phạm pháp hay không.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, được đại diện lãnh đạo CA tỉnh nêu ra tại hội nghị như: Tuổi này đang phát triển về tâm sinh lý và nhân cách, còn non nớt về nhận thức nên dễ bị ảnh hưởng của môi trường sống. Một vấn đề đáng quan tâm là sự thay đổi quá nhanh của xã hội, cùng với đó là các tệ nạn như trộm cắp, ma túy, mại dâm...; sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã khiến một bộ phận giới trẻ lâm vào tình trạng sống ảo, bị lôi cuốn vào các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực.
Để làm tốt công tác định hướng, giáo dục TTN, anh Nguyễn Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, cho biết: Trong 5 năm qua, các cơ sở Đoàn đã phối hợp với CA địa phương tăng cường các biện pháp quản lý giáo dục TTN vi phạm pháp luật, mở 90 lớp giáo dục pháp luật cho 1.775 TTN chậm tiến, 18 buổi gặp mặt, tọa đàm với sự tham gia của 2.345 TTN chậm tiến và thanh niên hoàn lương; cảm hóa, giúp đỡ 262 thanh niên chậm tiến tiến bộ.
Song thực tế, đại tá Nguyễn An Ninh cho rằng công tác tuyên truyền chưa thật sự tới được đối tượng cần. Trách nhiệm trong vấn đề này là ở CA, khi công tác quản lý, nắm bắt tình hình, phòng ngừa còn nhiều hạn chế, chưa vận dụng có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ để huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong đấu tranh tố giác tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm có hành vi côn đồ, hung hãn có sử dụng hung khí.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho rằng: Trước đây, khi nói về công tác thanh niên, kể cả giáo dục thanh niên hoàn lương, vi phạm pháp luật, chúng ta đều quan niệm đó là công việc của tổ chức Đoàn, nhưng thực tế thì không phải vậy, vì hoạt động của họ cũng chỉ tới được đoàn viên, hội viên của mình, chứ không phủ sóng được hết các đối tượng TTN. Do đó, chúng ta cần nâng cao nhận thức, làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho TTN, huy động trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chung tay giải quyết có hiệu quả vấn đề này.
CÔNG HIẾU