Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động
Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố kết quả thanh tra việc chấp hành các quy định về lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và bình đẳng giới tại 9 doanh nghiệp may trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện đến 123 sai phạm.
Tại thời điểm thanh tra (tháng 5.2015), Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH phát hiện 3/9 doanh nghiệp chưa ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với 92 lao động thuộc đối tượng phải ký hợp đồng lao động. Có 5/9 doanh nghiệp chưa xây dựng thang lương, bảng lương và gửi tới cơ quan quản lý Nhà nước; 3/9 doanh nghiệp chưa trả tiền lương làm thêm giờ đúng quy định; 5/9 đơn vị chưa thực hiện đúng quy định về chính sách nghỉ ngày lễ, ngày nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng có lương, nghỉ việc riêng không lương...(Báo Bình Định số ra ngày 11.11.2015)
Đó là mới thanh tra một ngành lao động; nếu thanh tra thêm nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp khác không biết số trường hợp vi phạm sẽ lớn đến mức độ nào?
Thực tế cho thấy người sử dụng lao động (NSDLĐ) thường vi phạm về HĐLĐ như: không ký HĐLĐ; ký không đúng thời hạn, công việc; có nhiều điểm, nhiều mục trong HĐLĐ ký không rõ ràng, chung chung; không thực hiện nghiêm túc việc chấm dứt HĐLĐ, không trả trợ cấp khi thôi việc, mất việc làm.
Vi phạm về tiền lương như trả lương thấp không tương xứng với công sức trí tuệ của người lao động (NLĐ), kéo dài thời hạn hoặc không nâng lương. Liên tục nâng định mức lao động làm cho tiền lương không phản ánh đúng trình độ, sức lao động, thời gian lao động của NLĐ. Trong tiền lương không trả tiền nặng nhọc độc hại.
Vi phạm về tham gia các loại bảo hiểm như không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ hoặc đóng nhưng với mức thấp, chậm nộp BHXH với cơ quan BHXH dẫn đến thanh toán chậm cho NLĐ hoặc khi chấm dứt HĐLĐ không kịp thời làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, không kịp thời đóng BHXH ở cơ quan mới tiếp nhận; phải đi lại nhiều để thanh toán các chế độ và có nhiều người vì ở xa đi lại nhiều khó khăn đã bỏ.
Ngoài ra còn vi phạm về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi; vi phạm quyền tham gia ý kiến, quyền được thông tin, quyền tham gia hội họp, học tập, quyền đối thoại…của NLĐ.
Những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm là: vì lợi ích cá nhân, NSDLĐ không muốn chia sẻ quyền lợi cho xứng đáng với công việc của NLĐ nên tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm, hạn chế mở hầu bao. Do không hiểu biết pháp luật, NSDLĐ vô tình làm sai; còn NLĐ không biết đòi hỏi. Các cơ quan thanh tra kiểm tra làm việc thiếu trách nhiệm, quan liêu, chưa tìm hiểu kỹ các vấn đề, bỏ sót các vi phạm; vô tình dung túng sai phạm. Do tổ chức công đoàn (CĐ), nhất là công đoàn cơ sở không đủ mạnh để tuyên truyền, hướng dẫn, tham gia ý kiến, tổ chức đối thoại, ký thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều có lợi cho NLĐ.
Để làm tốt chức năng chăm lo và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ, hoạt động CĐ phải tập trung vào thực hiện chức năng chăm lo và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ.Tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật tới NSDLĐ và NLĐ. Các hình thức tuyên truyền phải thực tế, phong phú, không làm mất nhiều thời gian của NLĐ như các tờ rơi, tài liệu bỏ túi, đưa các nội dung tài liệu pháp luật vào sinh hoạt tổ CĐ. Củng cố, duy trì và đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật ở CĐ các cấp. CĐ phối hợp và đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả các cơ quan đơn vị, tổ chức doanh nghiệp trong việc bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ, kiểm tra cụ thể việc thi hành pháp luật lao động và luật CĐ. Việc kiểm tra phải thực hiện công khai và thâm nhập thực tế dưới nhiều hình thức mới có kết quả đúng.
Tổ chức CĐ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ CĐCS hiểu biết pháp luật, biết cách tham gia, biết cách chăm lo và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ. Có các biện pháp tổng kết, thông tin, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm trong hệ thống cán bộ CĐ để ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.
Làm tốt công tác chăm lo và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho NLĐ là thực hiện đúng chức năng quan trọng nhất của CĐ, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng NLĐ đồng thời làm cho CĐ ngày càng đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Làm cho CĐ thật sự là chỗ dựa, là niềm tin của NLĐ, góp phần xây dựng thành công một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ và tiến bộ.