TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Góp ý Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân
Sáng 12.10.2015, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thụy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng: Dự thảo Luật cần nâng cao hơn nữa vai trò của Hội đồng nhân dân trong việc tổ chức trưng cầu ý dân.
Về đối tượng áp dụng (Điều 2)
Điều 2 Dự thảo Luật quy định Luật này áp dụng đối với công dân nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy có thể hiểu luật xác định phạm vi trưng cầu ý dân bao gồm cả công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên bổ sung quy định cách thức, cơ chế lấy ý kiến cụ thể đối với nhóm đối tượng này để đảm bảo cho họ có quyền thể hiện chính kiến, quan điểm của mình trong việc cùng tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, cũng như bảo vệ quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp.
Về người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân (Điều 5)
Theo quy định của Dự thảo Luật, việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân là quyền của công dân. Tuy nhiên, chỉ những vấn đề đặc biệt quan trọng mang tính quyết định đối với sự phát triển của đất nước, vấn đề quốc kế dân sinh, về Hiến pháp... mới tổ chức trưng cầu ý dân; do đó, nếu Luật chỉ trao quyền mà không giao nghĩa vụ là chưa phù hợp. Trong trường hợp công dân từ chối quyền được trao, không bỏ phiếu trưng cầu ý dân sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của cuộc trưng cầu ý dân. Để phù hợp với Điều 15 Hiến pháp quy định quyền không tách rời khỏi nghĩa vụ công dân, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một điều quy định về trách nhiệm của công dân trong cuộc trưng cầu ý dân sẽ chặt chẽ hơn.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưng cầu ý dân (Điều 21)
Khoản 1 Điều 21 quy định mỗi khu vực bỏ phiếu thành lập 1 Tổ trưng cầu ý dân, trong đó quy định rõ đơn vị vũ trang nhân dân được xác định là khu vực bỏ phiếu riêng, được thành lập 1 Tổ trưng cầu ý dân có từ 9 đến 11 thành viên. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Dự thảo Luật thì ngoài đơn vị vũ trang nhân dân, bệnh viện, nhà an dưỡng, nhà hộ sinh, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ 50 cử tri trở lên, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại tạm giam cũng có thể thành lập khu vực bỏ phiếu trưng cầu ý dân riêng. Do đó, để thống nhất với Điều 30, tôi đề nghị bổ sung các đơn vị, cơ quan nói trên vào khoản 1 Điều 21 về việc thành lập Tổ trưng cầu ý dân.
Về những trường hợp không được ghi tên vào danh sách cử tri (Điều 25)
Khoản 1 và khoản 2 Điều 25 quy định người mất năng lực hành vi dân sự không được ghi tên vào danh sách cử tri là chưa cụ thể, để phù hợp và thống nhất với Bộ Luật dân sự, tôi đề nghị chỉnh sửa lại nội dung khoản 1 và khoản 2 Điều 25 theo hướng như sau:
1. Người bị Tòa án ra Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.
2. Người đã có tên trong danh sách cử tri mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị kết án tử hình, phải chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án ra Quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, thì UBND cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
- Đồng thời, theo hướng quy định nêu trên đề nghị chỉnh sửa khoản 4 Điều 25 như sau: trong trường hợp nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, người được Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung tên vào danh sách cử tri nơi người đó thường trú hoặc tạm trú để được bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
Về vai trò của HĐND trong việc tổ chức trưng cầu ý dân
Khoản 1 Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định “HĐND gồm các đại biểu HĐND do cử tri ở địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Như vậy, vai trò của HĐND có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện chức năng đại diện, giám sát các hoạt động của xã hội. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật chưa thể hiện rõ điều này. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một Điều quy định thể hiện có sự tham gia của Thường trực HĐND ngay từ bước đầu triển khai đến giai đoạn tổng hợp, báo cáo kết quả cuộc trưng cầu ý dân, như vậy mới phản ánh đúng vị trí, vai trò của HĐND trong công tác quan trọng này.
Ngoài ra, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định về nội dung lưu giữ phiếu trưng cầu ý dân để làm cơ sở xem xét, giải quyết khi có khiếu nại, tố cáo; về việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân đối với đối tượng là khách vãng lai để tạo điều kiện bảo đảm cho họ thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân như Hiến pháp đã quy định.
SỸ NGUYÊN (Ghi)