Đề xuất 4 vấn đề mang tính nguyên tắc cần trưng cầu ý dân
Sáng 12.11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật trưng cầu ý dân.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trưng cầu ý dân do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày, về các vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTV Quốc hội đề nghị quy định 4 vấn đề mang tính nguyên tắc mà Quốc hội có thể xem xét, quyết định trưng cầu ý dân gồm: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Về phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến tán thành với quy định trưng cầu ý dân được tổ chức và thực hiện trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trưng cầu ý dân ở địa phương và giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định. UBTV Quốc hội cho rằng, Hiến pháp quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của Quốc hội; chính quyền địa phương không có thẩm quyền này. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định. Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi một hoặc một số địa phương thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành (như việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định dự án kinh tế - xã hội có tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bộ phận người dân...) . Vì vậy, UBTV Quốc hội đề nghị cho giữ quy định trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước, không bổ sung quy định trưng cầu ý dân ở địa phương.
Về hiệu lực của kết quả trưng cầu ý dân, dự thảo Luật quy định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân.
Về đề nghị trưng cầu ý dân, theo ý kiến của UBTV Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã quy định “Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp hoặc về những vấn đề quan trọng khác theo đề nghị của UBTV Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH”. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đề nghị Quốc hội cho quy định theo hướng này. Đây chính là phương án 1 trong dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến và cũng là phương án mà nhiều ý kiến ĐBQH tán thành.
Về kết quả trưng cầu ý dân, trên cơ sở ý kiến thảo luận của ĐBQH, để bảo đảm hiệu lực của vấn đề trưng cầu ý dân được đông đảo cử tri cả nước tham gia, UBTV Quốc hội đề nghị cho tiếp thu theo hướng cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành.
Dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý lại quy định về trách nhiệm của UBTV Quốc hội trong việc xác định kết quả trưng cầu ý dân. Theo đó, sau khi nhận và kiểm tra báo cáo kết quả trưng cầu ý dân của UBND cấp tỉnh và giải quyết những khiếu nại, tố cáo (nếu có), UBTV Quốc hội ra nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân trong cả nước. Nghị quyết xác định kết quả trưng cầu ý dân phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân; trường hợp bỏ phiếu lại thì thời hạn công bố kết quả trưng cầu ý dân chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày bỏ phiếu lại.
Có ý kiến đề nghị ngoài hình thức biểu quyết bằng phiếu trưng cầu ý dân, cần bổ sung hình thức khác như xin chữ ký hoặc bỏ phiếu điện tử. Về vấn đề này, UBTV Quốc hội cho rằng, trong điều kiện nước ta thì việc dự thảo Luật quy định cử tri biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp tương tự như đối với bầu cử ĐBQH, HĐND là phù hợp và bảo đảm tính khả thi. Hơn nữa, thực tiễn cho thấy, việc cử tri trực tiếp đi bỏ phiếu có ý nghĩa rất lớn, tạo không khí sinh hoạt chính trị dân chủ rộng rãi trong xã hội. Đối với các hình thức biểu quyết khác, trong đó có hình thức bỏ phiếu điện tử, về lâu dài, sẽ được tiếp tục nghiên cứu và áp dụng khi đủ điều kiện. Vì vậy, đề nghị giữ quy định về hình thức biểu quyết trưng cầu ý dân bằng việc bỏ phiếu kín như trong dự thảo Luật.
Thảo luận về Luật này, ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM) cho rằng, không cần vấn đề thứ 4 (vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước). ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) đề nghị đối với Hiến pháp, nên trưng cầu ý kiến toàn văn. ĐB Võ Thị Dung cũng đề nghị bổ sung trưng cầu ý dân về vấn đề chiến tranh và hòa bình. Về danh sách lập cử tri để trưng cầu ý dân, ĐB Võ Thị Dung đề nghị bao gồm cả người Việt Nam đang học tập, lao động ở nước ngoài. ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cũng cho rằng, cần bổ sung quy định, cách thức trưng cầu ý dân đối với đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài.
ĐB Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) cho rằng, quy định “cuộc trưng cầu ý dân hợp lệ phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri cả nước có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu. Nội dung trưng cầu ý dân được quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành có giá trị thi hành” là quá cao, khó khả thi, bởi trưng cầu ý dân là hình thức rất mới, đòi hỏi phải có quá trình nhận thức. Nếu tỷ lệ quá cao dễ dẫn tới tình trạng ép cử tri đi bỏ phiếu, như vậy là mất tính chất của trưng cầu ý dân.
Về các vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng cần nói rõ “vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước” là gì. Đó phải là những vấn đề tác động to lớn đến sự phát triển chung, cần huy động khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khi đưa một vấn đề ra trưng cầu ý dần, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân được thông tin đầy đủ, từ đó lựa chọn một cách sáng suốt, trách nhiệm nhất. Cùng quan điểm, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng “các vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân” còn rất chung chung, không rõ ràng. Vì vậy, Quốc hội sẽ phải xác định vấn đề đó có đặc biệt quan trọng hay không.
ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM) và một số ĐB tán thành phạm vi trưng cầu ý dân là trong cả nước; còn ở phạm vi địa phương chỉ tiến hành lấy ý kiến nhân dân. ĐB Phùng Khắc Đăng (Sơn La) đề nghị bổ sung Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam là một trong chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân vì mặt trận đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là ý kiến của ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng).
Dự kiến, Luật Trưng cầu ý dân sẽ được thông qua ngày 26.11 tới và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016.
Theo Phan Thảo (SGGP)