Alô, Quy Nhơn Radio xin nghe!
Giữa những ngày tiết trời mưa gió, thời tiết biển diễn biến phức tạp này, các cán bộ, nhân viên của Ðài Thông tin duyên hải Quy Nhơn (Quy Nhơn Radio) tất bật với nhiệm vụ trực cấp cứu và phát các bản tin dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn tới những tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi.
Dù đang bận rộn với việc xử lý các thông tin nhưng chị Nguyễn Thị Minh Hiếu (36 tuổi), Giám đốc Quy Nhơn Radio, có 14 năm gắn bó với công việc, vẫn nhiệt tình chia sẻ: “Trừ những người đi biển, ít ai biết đến sự tồn tại của đài cũng như công việc của 12 cán bộ, nhân viên Quy Nhơn Radio. Với các phương thức thông tin liên lạc trên biển như: điện thoại, fax, sóng vô tuyến điện, sóng vệ tinh, Quy Nhơn Radio đang đáp ứng tất cả dịch vụ cấp cứu, tiếp nhận, xử lý các cuộc gọi cấp cứu, khẩn cấp từ tàu thuyền hoặc phương tiện bị nạn trên biển, trong đó, tàu cá đánh bắt xa bờ là đối tượng được quan tâm nhất”.
“Trừ những người đi biển, ít ai biết đến sự tồn tại của đài cũng như công việc của 12 cán bộ, nhân viên Quy Nhơn Radio”
Từ đầu năm 2015 đến nay, Quy Nhơn Radio đã tiếp nhận và xử lý, hỗ trợ cho 94 tàu cá/669 ngư dân (trong đó có 37 tàu của Bình Định) gặp các sự cố như: Tàu hỏng máy thả trôi, ngư dân rơi xuống biển, tàu mắc cạn, chìm, đâm va, trợ giúp y tế. Ngoài ra, Quy Nhơn Radio đã tổ chức 3 đợt tuyên truyền, vận động đến 220 lượt ngư dân ở Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn về việc trang bị các thiết bị đi biển đồng bộ với tín hiệu thu phát của Đài; tổ chức tập huấn, phát tờ rơi hướng dẫn các chủ tàu biết rõ các tần số trực canh cấp cứu và cách liên lạc với hệ thống các đài thông tin duyên hải của Việt Nam qua tần số 7903kHz để được cứu hộ cứu nạn khẩn cấp trên biển.
Bên cạnh đó, Đài còn phát các thông tin an toàn hàng hải là các bản tin dự báo thời tiết biển, áp thấp nhiệt đới, báo bão, động đất, cảnh báo sóng thần, khu vực hạn chế trên biển cũng như hướng dẫn các tàu cá cách phòng và trú bão (trên tần số 7906 kHz, kênh 16 VHF).
Chị Nguyễn Thị Mộng Mai, khai thác viên của Quy Nhơn Radio, với giọng nói nhẹ nhàng, nét mặt luôn vui vẻ, kể về nghề của mình: “Những ngày bình thường thì không sao, chứ khi có thời tiết xấu hay sự cố, tất cả mọi người đều rất căng thẳng. Nhiều hôm trực ca đêm, mệt quá thì người này canh, người kia tranh thủ gục xuống bàn một lát cho đỡ mệt chứ không ai được rời khỏi máy. Đã làm công việc này, khi bước vào ca trực thì mọi việc gia đình, mọi tâm sự buồn vui phải để hết ở bên ngoài phòng làm việc, ai cũng tập trung tối đa, không một phút xao nhãng, bởi nếu có thông tin cấp cứu mà mình xử lý không kịp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tàu bè đang di chuyển ở ngoài biển và tính mạng của thuyền viên”.
Theo khai thác viên Lê Thị Mai Hương, khi đến mùa mưa bão, ngoài các bản tin về an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, khai thác viên sẽ phải phát thêm các bản tin về khí tượng. Khi có áp thấp nhiệt đới hoặc bão, mỗi đài thông tin duyên hải phải phát 4 tiếng/lần. “Ngoài ra, chúng tôi phải xử lý các thông tin tìm kiếm cứu nạn liên tục. Có hôm, trên 10 trường hợp tàu cá gặp nạn trên biển thông báo nhờ hỗ trợ, nhân viên trực phải bình tĩnh, xứ lý tình huống ưu tiên theo cấp độ: Cấp cứu- khẩn cấp - an toàn”, chị Hương nói.
Vì vậy chị Hương bảo, các khai thác viên của Đài mỗi khi nhận cuộc gọi của chủ tàu từ giữa biển vào đất liền nhờ cứu nạn hoặc nối máy để liên lạc với gia đình, là biết được ngay tên của ngư dân và đang đánh bắt trên tàu nào. Nhờ vậy, từ nhiều năm nay, ngư dân khi đánh bắt trên biển luôn xem cán bộ, nhân viên Quy Nhơn Radio là những người bạn đồng hành, thân thiết với họ.
Anh Lê Tiến Thịnh, chuyên viên kỹ thuật Quy Nhơn Radio, có 14 năm gắn bó với công việc, thổ lộ: “Khi đến mùa mưa bão, dù không phải ca trực nhưng tôi cũng đến cơ quan làm việc để phòng ngừa máy móc, thiết bị gặp sự cố thì khắc phục kịp thời. Bởi nếu hệ thống thông tin gián đoạn trong vài phút là nguy hiểm đến tàu thuyền và thuyền viên ngoài biển khơi”.
NGUYỄN PHÚC
Cho em hỏi bài hát phát lúc 5 giờ 30 trên radio mình tên gì vậy. Saxophone đó gửi trả lời vào mail em dùm