Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ðường dài gầy dựng lực lượng kế cận
Yêu cầu hết sức quan trọng để bảo tồn được nghệ thuật tuồng và bài chòi Bình Ðịnh, đặc biệt khi đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là phải có lực lượng kế cận là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, việc gầy dựng lực lượng này ra sao vẫn là vấn đề nan giải.
Một số tỉnh, thành trong cả nước đã có chủ trương đưa một số loại hình nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy trong các trường phổ thông. Bộ VH-TT&DL cũng đã phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo “Dạy và học với di sản phi vật thể vì một tương lai bền vững’’, để bàn về những vấn đề giảng dạy di sản văn hóa phi vật thể trong nhà trường nhằm mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình diễn xướng dân gian.
Diễn viên Kiều My (người đứng giữa, đoàn tuồng Nhơn Hưng) là một trong vài gương mặt trẻ hiếm hoi tham gia biểu diễn trong các đoàn tuồng không chuyên hiện nay.
Đưa di sản vào trường học: Cần phù hợp thực tế
Tại một số tỉnh, thành ở phía Bắc, dự định đưa ca trù vào dạy cho học sinh không nhận được sự đồng tình của một số nhà nghiên cứu có uy tín, trong đó có GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cho rằng tuyên truyền bảo tồn và phát huy giá trị di sản là việc cần thiết, nhưng chuyện muốn toàn học sinh đều hát ca trù là “mong ước hết sức hành chính”. Vì vậy, dù ca trù đã là di sản phi vật thể của thế giới, cũng không nên ép trẻ nhỏ phải học và phải yêu thích ca trù. Theo GS Thanh, các loại hình nghệ thuật truyền thống nên để tự nhiên như xưa nay ai thích thì theo…
Từ ý kiến nhìn nhận “nghiêng về học sinh” đáng tham khảo của một chuyên gia đầu ngành trong vấn đề bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể tầm quốc gia và thế giới, có thể liên hệ đến việc bảo tồn di sản tuồng và bài chòi Bình Định. Việc đưa hai loại hình di sản này vào giới thiệu trong trường học đã được tiến hành trong dự án sân khấu học đường cách đây nhiều năm, đạt được một số kết quả nhất định trong phạm vi hẹp. Tuy nhiên, để đưa nghệ thuật tuồng, bài chòi vào chương học chính thức hoặc ngoại khóa ở các trường phổ thông thì có nhiều điều cần xem xét.
Đối với loại hình nghệ thuật mang tính hàn lâm như tuồng, việc giảng dạy một cách đại trà nếu không có hình thức phù hợp sẽ khiến cho đông đảo học sinh “không nuốt nổi tuồng” và đâm ra ghét loại hình nghệ thuật này. Nghệ thuật bài chòi có thuận lợi hơn trong việc tiếp cận giới học trò, nhưng cũng cần nghiên cứu chọn những hình thức mang tính sinh động, lôi cuốn như giới thiệu hội đánh bài chòi cổ dân gian, hoặc các làn điệu dễ tập hát cho giới trẻ.
Gầy dựng lực lượng diễn viên: cần làm “từ gốc đến ngọn”
Trước đây các thế hệ nghệ nhân tuồng, bài chòi ở Bình Định thường đào tạo con cháu trong nhà để tiếp nối giữ gìn nghiệp tổ. Hình thức trao truyền này đang “đứt gánh giữa đường’’ trong nhiều năm qua.
Theo dõi hai sự kiện mang tính kiểm tra thực trạng tuồng không chuyên gần đây do Sở VH-TT&DL tổ chức là Liên hoan “Trích đoạn tuồng Đào Tấn” và lớp tập huấn nghệ thuật tuồng Đào Tấn, đều chỉ có 1-2 diễn viên trẻ là con cháu của các nghệ nhân. Điều này cũng tương tự với nghệ thuật bài chòi, khi con cháu những nghệ nhân giỏi nghề hiện nay hầu như không có ai nối nghiệp.
Sự thưa vắng dần các thế hệ con cháu theo nghề cũng có thể là do họ không có năng khiếu, nhưng cũng một phần bắt nguồn từ việc chính các nghệ nhân cũng không còn mặn mà với việc này. Nghệ nhân Bảo Hiến, Trưởng Đoàn tuồng Ánh Dương ở huyện Phù Cát, chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi đã cống hiến cả đời cho nghiệp tổ, chấp nhận sự vất vả, nguồn sống bấp bênh. Đến đời con dù có năng khiếu thì cũng muốn nó chọn nghề nào ổn định hơn…”.
Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định vừa qua đã mở được hai lớp tuồng và dân ca bài chòi sau 10 năm gián đoạn vì không tuyển được học viên. Bên cạnh niềm phấn khởi ban đầu, thì ban tổ chức lớp vẫn canh cánh nỗi lo có giữ được 36 học viên hay sẽ bị “rơi rụng” như các khóa trước. Cũng nên sớm tính đến việc giải quyết đầu ra cho các học viên của hai lớp này sau khi tốt nghiệp, để động viên họ theo đuổi đến cùng sự đam mê.
Nhiều học viên các lớp trung cấp tuồng, dân ca các khóa trước hiện đang là diễn viên Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã chia sẻ nhiều nỗi khó khăn, phải yêu nghề lắm mới bám trụ với nghề đến ngày hôm nay. Nếu vẫn cứ tình trạng theo đuổi giữ gìn di sản quốc gia mà phải chịu nhiều áp lực, khó khăn trong cuộc sống thì lớp diễn viên trẻ sau này có lẽ khó trụ được trong thời buổi “có thực mới vực được đạo’’. Vì vậy, việc gầy dựng lực lượng diễn viên kế cận cho nghệ thuật tuồng, bài chòi cần xây dựng kế hoạch bài bản “từ gốc đến ngọn’’ chứ đừng làm theo kiểu tùy hứng, “bắt cóc bỏ dĩa’’.
HOÀI THU