Vì sự sống của trẻ sinh non
Theo thống kê tại các bệnh viện phụ sản trên cả nước, trẻ sinh non chiếm khoảng 10% trẻ sơ sinh và con số này ngày càng gia tăng. Ra đời sớm, đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật, trẻ sinh non rất thiệt thòi và cần được chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ sinh non là trẻ sinh từ tuần thứ 23 đến tuần thứ 37 của thai kỳ.
Hiểm nguy bao vây
Theo thống kê của khoa Sản (BVĐK tỉnh), trong 9 tháng đầu năm 2015, có 5.747 trẻ được sinh ra tại khoa. Trong đó, có 229 trẻ sinh non, chiếm tỉ lệ gần 4%. Trong khi đó, tại khoa Nhi sơ sinh, trong 1.053 ca tiếp nhận và điều trị, có đến 378 trẻ cân nặng dưới 2,5kg - trọng lượng phổ biến của trẻ sinh non.
Trẻ sinh non được điều trị tại khoa Nhi sơ sinh, BVĐK tỉnh.
Trưởng khoa Nhi sơ sinh Phạm Thiện Ngôn cho hay, nguy cơ tử vong ở trẻ sinh non là rất cao, đặc biệt là với trẻ dưới 2kg. Có rất nhiều mối hiểm nguy bao vây trẻ sinh non vốn yếu ớt. Điển hình là hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, hạ canxi máu, loạn sản phế quản phổi, viêm ruột hoại tử, xuất huyết não… Đặc biệt, nổi bật là nhiễm trùng sơ sinh xảy ra ở hầu hết trẻ sinh non. “Dù được điều trị thành công và xuất viện, trẻ vẫn có nguy cơ mang các di chứng nặng nề, như mù do bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, điếc do tổn thương tai, hay chậm phát triển thể chất lẫn tinh thần”, bác sĩ Ngôn nhấn mạnh.
Khoa Nhi sơ sinh được thành lập năm 2008. Từ đó đến nay, tất cả trẻ sinh non đều được chuyển từ khoa Sản sang khoa Nhi sơ sinh để được theo dõi, điều trị, cải thiện chức năng sống của trẻ. Bác sĩ Ngôn chia sẻ rằng, thời gian điều trị của trẻ có khi kéo dài đến 2-3 tháng, liên tục tạo gánh nặng và sức ép tâm lý cho gia đình lẫn nhân viên y tế.
“Dù không phổ biến lắm, nhưng vẫn có trường hợp trẻ sinh non điều trị lâu dài dẫn đến khủng hoảng tâm lý, xuất hiện tình trạng đùn đẩy, mâu thuẫn giữa hai bên nội - ngoại, thậm chí còn đặt ra vấn đề có tiếp tục nuôi trẻ nữa hay không. Rõ ràng, để chăm trẻ sinh non, đòi hỏi người thân không chỉ có sức khỏe và kiến thức, mà cần phải có tâm lý vững. Chúng tôi thường xuyên động viên người nhà để họ tập trung cho việc chăm sóc trẻ được tốt hơn”, bác sĩ Ngôn tâm sự.
Để giảm nguy cơ sinh non
Theo Phó trưởng khoa Sản Đỗ Văn Tâm, 50% số trường hợp sinh non không xác định rõ nguyên nhân. Trong 50% trường hợp còn lại, có 3 nhóm nguyên nhân chính gây sinh non. Đầu tiên là do thai (đa thai, thai lớn, ối nhiều…). Thứ hai là do mẹ, như bất thường tử cung, tử cung có u xơ lớn, hở eo tử cung, tử cung kém phát triển; mẹ mang các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp; béo phì hoặc suy dinh dưỡng; mẹ bị nhiễm trùng, nguy hiểm nhất là nhiễm trùng đường tiểu, viêm âm đạo; mẹ có thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu bia, chích ma túy; mẹ không khám thai định kỳ… Cuối cùng là do nhau thai, như nhau bong non, nhau tiền đạo, nhau kém phát triển.
Theo số liệu của WHO, trên thế giới trung bình 10 trẻ ra đời lại có 1 trẻ bị sinh non. Từ năm 2011, ngày 17.11 hằng năm được chọn là ngày Thế giới vì trẻ sinh non (World Prematurity Day), nhằm kêu gọi nhận thức và sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng đối với vấn đề trẻ sinh non. Việt Nam nằm trong số 42 nước có tỉ lệ trẻ em tử vong cao nhất thế giới; trẻ sinh non chiếm tới 50% số ca tử vong dưới 5 tuổi.
Hiện tại, khoa Sản đang điều trị cho 3 trường hợp dọa sinh non, trong đó có 2 ca chưa rõ nguyên nhân. Riêng thai phụ N.N.T (28 tuổi, ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn) được xác định song thai, tiền sản giật do tăng huyết áp trong thai kỳ. Chị T. đã mang thai tuần thứ 35, vào viện ngày 10.11 trong tình trạng đau bụng nhiều.
Bác sĩ Đỗ Văn Tâm cho rằng, để phòng tránh nguy cơ sinh non, mỗi bà mẹ phải hết sức quan tâm đến sức khỏe thai kỳ và khám thai đúng lịch, đặc biệt chú ý các yếu tố nguy cơ, loại bỏ thói quen xấu. Cần ăn uống cân bằng, hợp lý, bổ sung vitamin B9 (axit folic), đảm bảo đầy đủ chất xơ để tránh táo bón, cần uống nhiều nước (trên 2,5 lít/ngày). Nên giữ gìn thói quen vệ sinh phụ khoa, vệ sinh răng miệng, tránh viêm nướu lợi.
“Bên cạnh đó, cần kiểm soát cân nặng, trong quá trình mang thai chỉ nên tăng 12-16kg so với trước khi mang thai, tuy nhiên nếu cân nặng của thai phụ dưới 40kg thì rất dễ sinh non. Ngoài ra, cần vận động hợp lý, khi có nguy cơ sinh non thì vận động nhẹ nhàng. 3 tháng cuối của thai kỳ nên hạn chế chuyện vợ chồng, đặc biệt là những người có nguy cơ sinh non”, bác sĩ Tâm lưu ý.
NGUYỄN VĂN TRANG