Khác phường…!?
Ở đô thị, có khi cùng sống chung một con đường, bên này bên kia cách nhau chỉ mươi mét thôi nhưng đã là công dân của hai phường khác nhau.
“Đất có lề, quê có thói” nên nhiều lúc chung một con đường mà cuộc sống, sinh hoạt của cư dân bên này, bên kia khác nhau nhiều lắm.
Chẳng hạn như chuyện treo cờ cũng đã có lắm cái khác. Đến ngày có lễ lạc thì có khi bên này treo cờ, bên kia thì không. Hay có lúc cùng treo cờ, nhưng cờ bên này thì gắn luôn vào cột cờ thẳng tưng, còn bên kia thì cờ lại gắn vào một thanh gỗ bắt xéo vào cán cờ. Thành ra nhìn vào đã thấy có sự “khác hoắc” và biết là dân cư hai bên khác phường liền.
Mới đây, thực hiện nếp sống văn minh đô thị nên phường A chọn một đoạn trên con đường sầm uất bậc nhất của phường để xây dựng tuyến đường văn minh “xanh - sạch - đẹp”. Khi chủ trương này được triển khai, tổ dân phố họp và thông báo cho bà con trong khu vực dân cư thực hiện rất nhiều nội dung liên quan đến việc xây dựng tuyến đường văn minh, từ chuyện quét dọn vệ sinh, chăm sóc nhà cửa, sắp xếp buôn bán không lấn chiếm vỉa hè, lề đường cho đến chuyện giờ nào mới được mang rác ra bỏ bên đường…
Tuy nhiên, do đoạn đường này mỗi bên thuộc một phường khác nhau nên chỉ có bên phía phường A thực hiện khá nghiêm túc và nề nếp, còn phía bên phường B thì mọi chuyện… “vẫn như cũ” - nghĩa là rác vẫn mang ra đường tùy tiện bất kể giờ giấc, buôn bán vẫn lộn xộn, thoải mái lấn chiếm vỉa hè, lề đường…
Vì vậy, tiếng là xây dựng tuyến đường văn minh mà trên đoạn đường này luôn có hai hình ảnh trái ngược nhau: bên này thì gọn ghẽ phong quang còn bên kia thì rác tràn ra đường (!). Nhiều người đi đường chứng kiến sự trái chiều này đã phải thốt lên “thật chướng mắt làm sao” và mang theo một cục thắc mắc mà không thể hiểu tại sao lại như thế.
Rõ ràng, do hình thái đô thị có sự gắn kết chặt chẽ rất nhiều yếu tố trong việc tổ chức cuộc sống của dân cư nên luôn đòi hỏi có sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý tất cả các mặt trong đời sống. Vì vậy sự chia cắt theo kiểu “đất lề quê thói” của đời sống nông thôn, làng xã sẽ là không phù hợp mà câu chuyện con đường nói trên là một ví dụ sinh động.
Vì vậy, để xây dựng một đô thị văn minh, sạch đẹp thì điều quan trọng là ý thức xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp sẽ ngày càng phải đi sâu vào nếp nghĩ, nếp làm của mọi cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó là sự thực hiện xuyên suốt, đồng bộ các vấn đề về chỉnh trang đô thị, xây dựng cảnh quan môi trường, vệ sinh đường phố… trong một sự điều phối thống nhất từ một “nhạc trưởng” thì mới mang lại hiệu quả. Ngược lại, nếu cứ theo lối “mạnh ai nấy làm” thì chắc chắn các câu chuyện tương tự như đoạn đường văn minh sẽ còn tiếp diễn dài dài.
Nếu những bất cập như thế không được khắc phục thì có lẽ hành trình xây dựng đô thị văn minh hẳn sẽ còn… xa lắm!
H.Đ