Người thầy quê kiểng của tôi
Tùy bút của Nguyễn Mỹ Nữ
Thầy dạy văn và là giáo viên chủ nhiệm suốt mấy niên khóa cấp hai của chúng tôi.
Thầy ra kiểu hơi quê quê, nói tiếng miền ngoài nên khó nghe. Tiết học đầu với thầy trôi qua rất chậm, đầy uể oải. Những tiết sau, những tiết sau vẫn thế. Phải đến mấy tháng, chúng tôi mới kịp nhận ra là thầy, tuy dạy không hay nhưng lành tính và rất cưng học trò. Thế là từ chỗ hết ham thích môn học của thầy, chúng tôi bắt đầu chờ ngóng.
Không hiểu sao, những nhân vật nổi bật trong trường đều quy tụ hết về lớp tôi. Cả lớp có trên chục nhân vật kiểu này, bàn tôi đã ngang nhiên hưởng gần nửa. Bởi, bàn có năm đứa thì tròn trịa năm đứa đều rất… tài năng. Đứa hát hay. Đứa viết văn được. Đứa biết làm thơ. Đứa võ nghệ cao cường. Đứa là cây hài không đối thủ. Ngày ấy, đang là học sinh cấp hai, tuổi nhỏ chưa kịp qua, tuổi lớn chưa kịp tới. Ương ương, dở dở…và coi cái tôi to lắm! Chỉ mới được biết đến trong khuôn viên một ngôi trường mà đã tí tởn ta đây. Tiếng tăm loanh quanh có thế chứ đã đi xa được mấy nỗi mà đã huênh hoang, vênh váo lắm rồi. Nếu không có thầy… Một người thầy với tất cả sự đơn sơ, khiêm tốn, đã rèn dũa, trui mài bớt cái kiêu sa, ngạo nghễ trong từng đứa, từng đứa một, thì chúng tôi sẽ còn hỏng tới đâu?
Tôi hồi đó đã lai rai có thơ, văn đăng báo. Ai cũng phán: “Hay!” và tôi phồng mũi to, mặt câng câng tự đắc. Tôi, rất dạn dĩ trước đám đông, nên thuyết trình trong lớp, làm dẫn chương trình cho trường, cứ gọi là băng băng. Và mỗi khi ai khen: “Giỏi!” thì mắt cứ trên trời mà ngó. Ai khen cứ mặc, riêng thầy chưa hề. Thầy sẵn lòng hòa mình cùng chúng tôi trong rất nhiều chuyện, cả việc học lẫn việc chơi, nhưng những lời khen thì đừng hòng nhé! Dường như, thấy thế là chưa đủ, thầy còn rất siêng chê, mà cái cách chê của thầy mới đến là khó chịu! Chê để cho chúng tôi phải tự ái đấy mà. Nhưng tự ái cũng chẳng xong với thầy, vì thầy vẫn luôn nhắc câu: “Tự ti thì không nên, tự ái thì không phải, mà tự trọng lại rất cần”. Cũng chính vì cái cách khích bác như thế của thầy mà tôi và lũ bạn, thưở đó cũng làm được khối chuyện… có tích sự.
* * *
Bọn tôi rất thích rủ nhau đến nhà thầy chơi. Nhà thầy có sân trước, sân sau rộng rãi, thoáng đãng và trên cả tuyệt vời là có một cây mận sai quả quanh năm. Tôi chưa từng thấy một cây mận nào lạ lùng như cây mận nhà thầy hồi ấy. Cả bọn một tư thế: Cột hai vạt áo dài, túm tóc, xắn quần, thả guốc và mặc sức leo trèo. Chiến lợi phẩm thu được là những chùm mận trắng phau, dòn xốp và chát chát, chua chua. Chúng tôi gặm từ trên cây gặm xuống, mặc sức cho thầy la. Thầy bảo: “Hái, ăn cho bằng hết cũng được nhưng nhớ rửa dùm thầy. Ối chao! Cái cây, cái trái giữa trời. Bụi rứa! Rồi còn sâu sia mà răng không sợ dơ hè! Học trò chi mà nhớp? Con gái con nứa, sao đâu…”. Đã nhiều năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ như in cái cách la nửa giỡn nửa thật ấy. Rồi khoảng sân nhà thầy nữa chứ! Với hoa mận rơi trắng xoá, cái giếng xây có thành rất rộng ở phía sau, rồi cảnh thầy, trò xúm xít bên nhau, cùng ăn mận chấm muối hột giã với ớt xanh. Ngon quá chừng mà cay cũng quá chừng quá đỗi.
Cấp hai có bốn năm học thì thầy dạy Văn và là chủ nhiệm lớp tôi đúng ba niên khóa. Những niên khoá thấm đẫm nghĩa tình và chứa chan kỷ niệm. Lớp chín là năm học ngắn nhất mà chúng tôi hay. Thời gian trôi qua cái vèo ở những tiết dạy của thầy. Ngày giờ sao đi quá nhanh những lúc thầy trò được bên nhau: ở nhà, ở lớp… Khi học hành, vui chơi, đi trại, diễn văn nghệ, làm báo. Hạnh phúc biết bao, được có thầy trong tất cả mọi sinh hoạt học đường. Được kể lể với thầy những nông nỗi, mộng mơ con gái. Được thầy đồng cảm, sẻ chia trong rất nhiều khát vọng. Được thầy lắng nghe và thấu hiểu cho bao tâm trạng ngổn ngang và rối rắm của tuổi mới lớn. Những khi ấy, thầy như thể một người bạn của chúng tôi vậy.
Mấy năm sau, chúng tôi vẫn rủ nhau tới nhà thầy cô chơi, khi có thể. Buồn với một chút ganh tị khi thấy các em đang học thầy có mặt thường xuyên ở đó. Cũng phá nghịch, leo trèo… và còn ngang nhiên mời chúng tôi ăn mận. Thầy vẫn như trước, giản đơn trong bộ pyjama, nụ cười hiền hoà, giọng nói quê kệch hỏi han, nhắc nhở. Rất sẵn lòng hòa giải một mâu thuẫn nào đó, giữa chúng tôi với nhau. Biết cách xoa dịu và cân bằng cho những tâm trạng quá khích của đứa này, đứa khác. Thầy hay chậc lưỡi: “Tuổi trẻ mà! Ai không rứa. Rứa mới hay, chứ cứ ù lì, chây lười sao được?”. Thầy giải tỏa cho chúng tôi những bức bối, bất bình theo kiểu của thầy. Không lý thuyết, cao đạo, văn hoa bóng bẩy. Không lịch lãm, hào nhoáng. Thầy nói năng rề rà, thô mộc. Dùng nhiều từ bình dị. Và cái cách quê kiểng đó của thầy, không ngờ, lại rất thuyết phục đối với lũ con gái thơ mộng, ngông nghênh và oái oăm như chúng tôi. Thuyết phục đến tức cười. Tốt nghiệp phổ thông, đứa đậu cũng tìm tới thầy để khoe. Đứa rớt cũng tìm tới thầy để khóc.
Đúng hai mươi bảy năm sau, tính từ buổi chiều hè đó, tôi mới được gặp lại thầy. Gia đình thầy sống trong một ngôi nhà nhỏ có vườn ở Vĩnh Long. Cánh cổng sắt cũ kỹ, xưa xưa và có giàn dây leo um tùm. Nhìn cũng hay hay! Cô vẫn còn đang công tác. Thầy dạy kèm Anh văn ở nhà và viết sách. Thầy cười rất tươi khi nói: “Sống được”. Không chỉ là câu thầy vừa nói và cũng không phải là cái kiểu thầy vừa cười mà hết thẩy, từ thầy… tỏa ra và biểu thị, đã khiến tôi phải ứa nước mắt vì hạnh phúc và mừng vui. Có thế chứ! Rồi ra, sau tất cả, thầy vẫn được là thầy. Tôi đã khao khát đến cháy lòng, được gặp lại và giữ mãi hình ảnh thầy như thế này cơ mà.
Hôm đó, vợ chồng tôi ở lại ăn cơm. Cô đi dạy về quá trưa nên vội ra quán mua mấy món nấu sẵn. Chúng tôi cùng uống với thầy một thứ rượu rất lạ. Là rượu gạo bình thường nhưng được ngâm với quả “canh kí na” nhà trồng ngay bên cổng. Thầy bảo, thứ quả này ngâm rượu uống sẽ đỡ được chứng nhức lưng và xương cốt. Nghe tôi kể có lần ngã nặng bị chấn thương cột sống, giờ, mỗi lần trời trở, đau lắm, thầy một hai đòi hái cho tôi đem về phơi khô để dùng dần. Trời ơi! Thầy! Người thầy quê kiểng của tôi! Vẫn một cách thương học trò sao mà ân cần, mộc mạc. Cứ như ngày xưa, khi chúng tôi còn rất trẻ. Cứ như không phải chúng tôi của hiện giờ, những phụ nữ trung niên và bao đứa mau mắn đã kịp lên tới chức bà. Xúc động đến lặng người, tôi đâu dám nhìn thầy, ngó mông ra khu vườn bừa bộn và có cảm giác như một thời nữ sinh tươi đẹp vừa đi đâu đó rất xa, đã trở về… Cả một trời là áo trắng… Cả một sân vườn là những bông mận trắng.
Tôi ngồi đó, bên thầy, với ký ức ngát xanh. Tôi ngồi đó bên thầy. Chậm rãi, ăn, uống. Nhẩn nha chuyện trò. Tôi ngồi đó, ngắm thầy ung dung, đĩnh đạc. Kể chuyện đời, tình người… bằng cái cách quê kiểng, thân quen. Bữa cơm kéo dài. Câu chuyện kéo dài.
Và được gặp lại thầy. Thích thật!
N.M.N