Về khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh: Đủ luật nhưng vẫn khó quản
Tình trạng khai thác khoáng sản (KTKS) trái phép xảy ra phổ biến, rộng khắp tại hầu hết các địa phương trong tỉnh thời gian qua cho thấy công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Ðặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT quanh vấn đề này.
* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình KTKS trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua?
- Đầu năm 2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT cùng ngành chức năng và chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp quản lý nhà nước về khoáng sản. Nhờ đó hoạt động KTKS của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp khi tuân thủ đúng những quy định của pháp luật về khoáng sản và môi trường.
Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp KTTS không theo công suất, vị trí đã được duyệt; chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường, tiến độ phục hồi môi trường sau khai thác còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Thậm chí, một số doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với nhà nước như gian lận trong việc kê khai hoặc không nộp đủ các khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường. Đặc biệt, một số nơi vẫn còn tình trạng KTKS trái phép.
Công tác quản lý KTKS ở tỉnh ta còn bộc lộ nhiều bất cập.
- Trong ảnh: Một điểm khai thác đá ở xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân.
* Việc khai thác trái phép cát ở Bình Định đang diễn ra khá công khai; tình trạng khai thác đất sét trái phép ở huyện Tây Sơn chưa được giải quyết dứt điểm, nhiều người nghĩ rằng Sở TN-MT lơ là trong công tác quản lý, ông nghĩ như thế nào về suy nghĩ này?
- Theo quy định của Luật Khoáng sản 2005 và Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 2.10.2008 của Thủ tướng Chính phủ không bắt buộc thực hiện việc thăm dò trữ lượng các mỏ cát. Giấy phép khai thác cát được cấp có thời hạn 6 tháng, khối lượng không quá 5.000m3. Tuy nhiên, thời gian 6 tháng là quá ngắn, không đủ cho các đơn vị đầu tư cho hoạt động khai thác quy mô lớn, đến khi hết hạn phải làm thủ tục xin gia hạn để tiếp tục khai thác. Điều này vừa gây trở ngại cho việc đầu tư của doanh nghiệp; đồng thời, làm hạn chế quá trình kiểm soát một cách liên tục sản lượng khai thác.
Hơn nữa, thời gian qua nhu cầu về cát xây dựng phục vụ cho hoạt động thi công xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh hiện rất lớn. Trước thực tế này, không ít cá nhân, tổ chức lén lút khai thác, nhất là trên các sông có dòng chảy lớn như sông Côn, Hà Thanh, Lại Giang, La Tinh.... Song, nguyên nhân cơ bản nhất là do một số địa phương buông lỏng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, thiếu kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm.
Việc khai thác đất sét xảy ra ở huyện Tây Sơn tại các xã như: Bình Nghi, Tây Thuận, Bình Hòa, Bình Tường, Tây Giang diễn ra tự phát, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Sở đã yêu cầu UBND huyện Tây Sơn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý hoạt động KTKS trái phép theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, đề nghị Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND huyện Tây Sơn ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động khai thác đất sét. Địa phương nào còn để xảy ra tình trạng này phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Việc cấp phép thăm dò, KTKS được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục, phù hợp với quy hoạch và được ngành chức năng phê duyệt; có ý kiến thống nhất khu vực thăm dò, khai thác của các ngành liên quan và chính quyền địa phương. Sở TN-MT cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền cơ sở kiểm tra; qua đó, phát hiện nhiều khu vực KTKS trái phép, có biện pháp xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm. Dù vậy, vì lợi nhuận quá lớn từ việc KTKS nên một số doanh nghiệp vẫn “lạm dụng” trong khai thác, gây bức xúc cho nhân dân.
* Việc khảo sát, quy hoạch mỏ khai thác đất sét tại huyện Tây Sơn theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay, Sở TN-MT đã triển khai ra sao?
- Sở TN-MT đã phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương tiến hành khảo sát nhiều khu vực đất sản xuất kém hiệu quả có thể cải tạo kết hợp tận thu đất sét phục vụ cho hoạt động sản xuất gạch, ngói trên địa bàn huyện Tây Sơn.
Qua kết quả khảo sát đã lựa chọn được hơn 344.000 m², trữ lượng khai thác ước tính khoảng trên 366.000 m³. Đến thời điểm này, các khu vực này đã được UBND tỉnh thống nhất bổ sung quy hoạch.
Tới đây, Sở TN-MT sẽ hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu lập hồ sơ khai thác khoáng sản theo quy định. Bên cạnh đó, hiện nay, huyện Tây Sơn đang khảo sát thêm một số vị trí đất sản xuất kém hiệu quả khác. Căn cứ trên kết quả khảo sát của huyện, Sở TN-MT sẽ kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh để xem xét bổ sung vào quy hoạch.
Thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép KTKS cho các đơn vị có năng lực khai khoáng, công nghệ tiên tiến và chế biến sâu; tổ chức đấu giá quyền khai thác và thu tiền cấp quyền KTKS theo hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời, Sở sẽ chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Công an tỉnh và chính quyền địa phương liên quan tăng cường công tác hậu kiểm, định kỳ và đột xuất thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý và đề nghị thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp vi phạm, tái phạm trong KTKS.
* Xin cảm ơn ông!
Từ 2011 đến tháng 7.2015, Sở TN-MT đã tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra về hoạt động KTKS; qua đó, phát hiện và xử phạt nhiều cá nhân, đơn vị vi phạm với số tiền gần 1,5 tỉ đồng.
TRỌNG LỢI (Thực hiện)