Kiểm soát mình khi uống bia, rượu: Khó ở mình!
Với cánh mày râu, mỗi khi đến các cuộc vui thường rất khó lòng từ chối cụng ly hoặc chỉ nhấp môi, mà phải uống nhiệt tình. Có người nhậu riết rồi thành quen, “đô” cao và chuyển sang nghiện lúc nào chẳng biết.
Loạn thần do rượu
Mới đây, tôi gặp bệnh nhân Đ.V.T. (43 tuổi, ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, anh nhập viện trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, đánh đập người thân và tự hủy hoại bản thân. Ban đầu, bác sĩ nơi đây chẩn đoán ông bị tâm thần phân liệt, nhưng sau khi tìm hiểu kỹ về thói quen sinh hoạt, tiền sử bệnh tật, thì nhận định ông bị chứng loạn thần do rượu vì uống rượu quá nhiều trong một thời gian dài.
Khi tỉnh táo, anh T. kể: “Thì cũng bạn bè, anh em họ hàng trong thôn xóm mời cả chứ ai. Thời còn trai trẻ, tui uống một ngày có thể trên một lít rượu đế, còn giờ xuống “đô” rồi, mỗi lần chừng nửa lít thôi. Vô trong này, tui thấy nhiều người cũng bị bệnh giống mình. Chắc đợt này về tui cai rượu luôn”.
Nhưng vợ ông lại chẳng mấy tin vào lời chồng, chị than thở: “Năm ngoái ảnh cũng vào đây điều trị cai rượu rồi, nhưng cai được chừng 2 tháng thì uống lại. Ảnh còn mạnh miệng nói bỏ gì thì bỏ chứ không thể bỏ rượu nữa. Cách đây hơn một tháng ảnh phát cuồng, lúc nào cũng dắt rựa sau lưng, mặt mũi hằm hằm, hễ vợ con làm gì trật ý là đánh không tha”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết, ông T. là một ca loạn thần do rượu điển hình. Hiện nay, ông T. đã tỉnh táo và đã được cho xuất viện. Theo bác sĩ Định, nghiện rượu là một bệnh mãn tính, cơ thể trở nên phụ thuộc vào rượu, không có rượu cơ thể không chịu được. Biểu hiện thường gặp nhất ở bệnh này là: hội chứng cai rượu (đang uống rượu thường xuyên thì dừng đột ngột, gây ra những ảo giác), co giật (có triệu chứng co giật như bệnh động kinh) và loạn thần (gây rối loạn hành vi, tư duy, có hành vi thích đánh đập, đập phá đồ đạc, la hét...).
Cũng theo bác sĩ Định, mấy năm gần đây, Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận điều trị những ca nghiện rượu; cá biệt có năm bình quân tiếp nhận 1-2 ca/ngày. Diễn tiến của các ca bệnh theo một quy trình chung: Ban đầu “bị” uống do được mời, sau rồi chủ động tự kiếm bạn để uống, không còn bạn thì uống một mình. Ngày nào không có thì không chịu nổi. Thậm chí, có người vào đây rồi mà vẫn lén ra ngoài uống rượu.
Giữ mình và nguyên tắc “một ly”
Với cánh mày râu, việc từ chối tham gia cụng ly hay không uống hết mình, không uống thiệt tình trong các cuộc hiếu hỉ, gặp mặt đối tác, bè bạn... thực không dễ, khi mà điều này đã và đang trở thành một thói quen trong xã hội ngày nay. Chả thế mà Việt Nam từng “được” xếp là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, khoảng 3 tỉ lít/năm (thống kê năm 2013).
“Nhiều lúc tôi trực đêm, gặp hình ảnh mẹ già lưng còng mà còn phải đi nuôi nấng, chăm sóc những đứa con bị bệnh do nghiện rượu mà cảm thấy bất nhẫn quá. Mấy năm trước, một công chức vào đây cai rượu nhiều lần nhưng rồi vẫn chứng nào tật nấy, cuối cùng chết gục tại nơi làm việc”
Bác sĩ NGUYỄN THỊ ÐỊNH, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh
Ai cũng biết, uống nhiều bia, rượu không có lợi cho sức khỏe, nhưng, như nhiều mày râu vẫn biện hộ: “Đã uống là phải tới bến, lỡ cỡ khó chịu lắm”, hoặc “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, “Tiếp khách mà chủ không uống thì bị khách đánh giá là không thật lòng”... Hậu quả là say xỉn, váng vất đầu óc cho đến tận ngày hôm sau; nặng hơn là có thể gây ra TNGT, thậm chí mất mạng. Còn nữa, thói quen uống rượu như phải ăn cơm, uống nước hàng ngày đang âm thầm phá hủy nội tạng, thần kinh của người nghiện bia rượu, chưa kể đến việc gây ra biết bao hệ lụy khác trong cuộc sống gia đình và xã hội.
Trong bài viết “Khó là ở chỗ một ly”, trong trang web luonglehoang.com, bác sĩ Lương Lễ Hoàng, Phòng khám Đa khoa Eurovi (210A Trần Bình Trọng, Quận 5, TP Hồ Chí Minh) đã viết, rượu rõ ràng không hẳn lúc nào cũng có hại, nếu rượu được dùng với tri thức, trong tiết độ và nếu rượu là… vang! Nhóm hoạt chất mang tên polyphenol có trong rượu vang giữ cho mạch máu dẻo, giúp cho dòng máu loãng, hạ chất mỡ trong máu bằng cách tối ưu hóa chức năng biến dưỡng của lá gan đồng thời bảo vệ thành mạch để huyết cầu và tạp chất khó bám vào gây xơ vữa. Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng thừa nhận cái khó chính là ở chỗ giữ được tửu lượng một ly vang cho mỗi ngày. “Một ly vang khác xa với một… chai! Kẹt chính ở chỗ khó ngừng gấp khi đang ngon trớn”, bác sĩ này viết.
Không chỉ có rượu vang mà các loại bia, rượu khác đều không gây hại nếu được dùng đúng cách, nghĩa là người dùng biết uống bao nhiêu là đủ và uống lúc nào. Ai cũng biết vậy, nhưng có làm được hay không?
“Tôi đã điều trị cho rất nhiều ca nghiện rượu, ai cũng hứa sẽ cai được, song đến giờ vẫn chưa thấy ca nào thành công cả. Nhiều lúc tôi trực đêm, gặp hình ảnh mẹ già lưng còng mà còn phải đi nuôi nấng, chăm sóc những đứa con bị bệnh do nghiện rượu mà cảm thấy bất nhẫn quá. Mấy năm trước, một công chức vào đây cai rượu nhiều lần nhưng rồi vẫn chứng nào tật nấy, cuối cùng chết gục tại nơi làm việc”, bác sĩ Định nói.
NGUYỄN NAM