Ông giáo già
Truyện ngắn của ÐẶNG TRUNG THÀNH
Đang ngồi cặm cụi đan mấy cái rổ, cái rế cho vợ ngày mai mang ra chợ bán, chợt lão Quang giật mình vì tiếng gọi phía sau lưng:
- Thầy ơi! Thầy ơi!
Lão Quang quay lại, nhìn người đàn ông hồi lâu nhưng vẫn không nhớ:
- Anh là… ai thế? Sao biết tôi từng là thầy giáo?
- Dạ, con là Tuấn, học trò cũ của thầy đây nè!
- Tuấn? Tôi nghỉ dạy lâu rồi nên không nhớ. Anh học khi nào ấy nhỉ?
- Thằng Tuấn lớp 12B2, quậy số một cách đây 20 năm đó thầy.
Lão Quang nhìn người đàn ông ăn mặc lịch lãm hồi lâu, rồi đưa mắt quay ra bờ sông. Khuất sau rặng tre, sau những dòng phù sa đục ngầu là ngôi trường THPT nơi một thời lão từng đứng lớp dạy môn Toán. Lần tìm về ký ức mươi giây, chợt lão thốt lên:
- A, Tuấn “ba búa” phải không?
- Dạ, đúng rồi thầy! Thầy còn nhớ biệt danh của em hả thầy?
- Nhớ chứ sao không! Cũng vì chuyện đó mà thầy ngồi đây đan rổ, đan rá nè!
- Thầy… thầy cho con xin lỗi chuyện cũ.
- Người xin lỗi lẽ ra là thầy mới phải! Thầy đã hại em…
Đoạn lão Quang lại nhìn qua kia sông. Hình như lão đang tiếc nuối một thời quá khứ. Rồi như nắng hạn lâu ngày gặp mưa rào, lão bồi hồi nhớ lại chuyện xưa.
***
Hồi ấy, Quang là giáo viên chủ nhiệm lớp 12B2. Lớp quậy nhất trường, khiến thầy cô nào cũng chán ngán khi vào lớp giảng dạy. Từ khi thầy lên làm thuyền trưởng, điều hành con tàu 12B2, cả lớp lấy lại trật tự dần dần. Rất nhiều học sinh ngổ ngáo đã trở nên hiền hơn, chịu học hơn, đặc biệt là giỏi mấy môn tự nhiên do thầy đảm trách. Duy chỉ có Tuấn, do là cậu ấm con nhà giàu được nuông chiều từ nhỏ vẫn ương bướng. Ngựa non háu đá, Tuấn chẳng sợ ai và chẳng muốn nghe lời ai. Vì vậy mà rất nhiều giáo viên đề nghị thầy Quang cho Tuấn chuyển trường mới để giữ danh tiếng cho trường mình. Khỏi phải nói cũng biết thầy Quang không đồng ý. Thầy vẫn ra sức kèm cặp, uốn nắn để Tuấn hoàn thiện bản thân, chăm học.
Nhưng, Tuấn đã phụ tình cảm mà thầy dành cho mình. Càng ra sức thuyết phục, dùng chiến thuật mềm dẻo, Tuấn càng làm lừng. Trong sổ điểm của các môn học, tên của Tuấn chi chít toàn những con số dưới trung bình, thậm chí “xơi trứng ngỗng” liên tục. Sổ đầu bài thì lúc nào cũng bị các giáo viên phê bình. Tuy nhiên, theo cách nhìn của thầy Quang, Tuấn đang bộc lộ chiều hướng tích cực nhưng do thích thể hiện cái tôi ra bên ngoài nên có phần bốc đồng.
Một hôm, thầy hiệu trưởng gọi thầy Quang lên bàn bạc:
- Trường chúng ta trước giờ luôn có thành tích tốt, nhận được nhiều bằng khen. Năm nay chúng ta tiếp tục thi đua với nhiều trường khác trong tỉnh. Nhưng với sức học của em Tuấn lớp thầy, tôi nghĩ…
- Ý thầy là Tuấn sẽ làm mất mặt trường mình.
- Thật tình tôi không có ý đó. Nhưng thầy phải hiểu, trường chúng ta không thể rớt thi đua. Xấu hổ lắm đấy!
- Thầy cho tôi thêm thời gian, tôi sẽ huấn luyện em ấy học tốt hơn. Ở cái tuổi dở dở ương ương, bọn trẻ nó hay bướng bỉnh thế. Tôi hứa cuối năm, lớp tôi sẽ đi thi tú tài đầy đủ.
Thầy hiệu trưởng thay đổi sắc mặt:
- Thời gian ư? Tôi đã cho thầy quá nhiều thời gian rồi còn gì! Học kỳ I đã qua, em ấy bị xếp hạng Yếu, như vậy còn chưa đủ sao?
- Tôi biết thế, nhưng còn một học kỳ nữa mà. Thưa thầy! Mọi sự cũng có thể thay đổi vào giờ chót.
- Không thể đợi “nước đến chân mới nhảy” được. Tôi cho thầy thời gian 3 ngày, nếu không ký giấy cho em ấy nghỉ học, chuyển trường thì tôi không thể nhượng bộ được nữa.
- Chúng ta làm vậy có quá đáng không? Tất nhiên có nhiều em khó bảo. Nhưng mình là thầy- tôi nghĩ cần làm sao để xã hội thấy giáo dục có giá trị đến đâu. Chứ cứ loại hết các em yếu kém sang nơi khác cho dễ việc mình thì rồi các em sẽ ra sao hả anh?
- Thầy đừng có mà lý tưởng quá như vậy! Sách vở quá đấy. Giờ thì thầy có thể về lớp dạy được rồi. Thầy nhớ đấy, 3 ngày thôi đấy!
Thầy Quang lủi thủi quay về lớp, lòng buồn rười rượi. Tuấn đang có chiều hướng thay đổi, cần có thêm thời gian nhưng… Lớp học hôm ấy mất sinh động. Môn Toán thầy giảng cứ ru ngủ. Cả lớp ngáp dài ngáp vắn. Nhiệt huyết của thầy không có trong giáo án. Thầy dạy kiểu buông xuôi.
3 ngày - nó sẽ dài đăng đẵng đối với những ai đang trông ngóng. Nhưng khi lo lắng, nó sẽ đến rất nhanh. Nhanh như cái chớp mắt. Hôm ấy có mặt Tuấn và ba mẹ. Thầy hiệu trưởng không ngần ngại tuyên bố lý do cho em Tuấn thôi học. Tờ đơn cho thôi học có chữ ký của thầy Quang. Chữ ký thầy rất có giá trị trong trường hợp này, hơn cả hiệu trưởng. Bởi thầy là giáo viên chủ nhiệm, theo dõi suốt quá trình học tập của Tuấn. Ba Tuấn giận quá, lôi con mình về, không quên mắng con một câu:
- Mày thấy chưa, người ta khi dễ mày kìa. Không chịu lo học hành, mà quậy phá suốt ngày. Về nhà chăn trâu đi con.
Tuấn chù ụ ra về, không quên ngoái lại nhìn thầy Quang một cách căm giận.
Những ngày tiếp theo, thầy Quang không còn tinh thần dạy học. Thầy luôn ám ảnh về chuyện của Tuấn. Thầy nghĩ, làm như vậy là trái đạo đức nghề nghiệp, đánh mất tương lai của một học sinh. Nhưng nếu thầy không làm thì chính thầy là người phải ra đi. Ba mẹ già, vợ và hai con nhỏ cần đồng lương ít ỏi của thầy đã gây nên áp lực. Thầy căng thẳng đến mức đổ bệnh xin nghỉ phép. Và rồi vì lương tâm cắn rứt, thầy quyết định nghỉ dạy. Thầy nghĩ: “Mình đã hại em ấy! Năm nay là kỳ thi tú tài, nếu Tuấn bỏ học, sẽ mất đi tương lai”. Và từ đó thầy cảm thấy xấu hổ không muốn ai gọi mình bằng danh xưng “thầy giáo” nữa.
Giờ nhớ lại mọi chuyện, lão Quang vẫn thấy đau lòng :
- Cho thầy xin lỗi vì chuyện cũ.
- Thầy không có lỗi, thưa thầy! Thật ra lúc ấy em cũng tính nghỉ học theo ba mẹ kinh doanh. Nhưng vì giận thầy, em quyết học để khẳng định mình không tệ. Em ra sức học ngày học đêm, thuê gia sư về nhà dạy kèm... Và em đã đậu tú tài, đỗ cả đại học đó thầy.
- Ờ, thầy mừng cho em. Kể ra thì thầy cũng không sai. Vậy em đang làm gì?
- Dạ, em nối tiếp truyền thống kinh doanh của gia đình em. Cũng nhiều lần về quê, em định ghé thăm thầy nhưng sợ thầy không tiếp. Em đã hiểu mọi chuyện. Vì em mà thầy phải nghỉ dạy cho đến bây giờ. Nếu không nhờ thầy, em nghĩ mình sẽ không có ngày hôm nay. Thầy, cho em xin lỗi thầy lần nữa!
- Thôi, em gác lại quá khứ đi! Thầy không muốn bị ám ảnh. Nhìn em thế này là thầy vui rồi. Cứ tưởng hồi trước em sẽ ăn chơi trác táng rồi phá của gia đình vì nghỉ học đó chớ!
- Thầy! Em có chuyện muốn thưa với thầy!
- Chuyện gì, em cứ nói!
- Em thấy thầy còn rất minh mẫn dù đã ở tuổi hưu. Công ty em có một quỹ từ thiện. Em tính dùng số tiền ấy xây một phòng học và mời thầy về dạy thêm cho các em nghèo trong xóm. Đơn giản thôi thầy. Tất cả đều miễn phí, thầy thấy sao?
- Ồ! Thế thì quá hay rồi! Nhưng thầy sợ đảm trách không xuể!
- Thầy có thể tìm thêm một giáo viên trẻ để hỗ trợ. Quỹ từ thiện của công ty em sẽ đảm bảo lương cho các thầy cô.
- Chưa nói chuyện lương phạn vội. Em biết nghĩ ra những điều tốt đẹp như thế là thầy vui rồi. Thôi, vào nhà làm với thầy vài ly, rượu chứ không phải trà nhé! Hôm nay là ngày đặc biệt 20 tháng 11, thầy mời em!
Hai người khoác vai nhau đi vào nhà. Một đầu bạc, một đầu xanh, đang nghĩ về sự nghiệp “trồng người” ở xóm nghèo này.
Đ.T.T