Coi chừng “cái chết được báo trước”!
Gần đây, chuyện tìm được thực phẩm “sạch” cho bữa ăn hàng ngày trở thành mối quan tâm hàng đầu của các bà nội trợ. Các câu chuyện tìm đến đâu để mua được rau không thuốc trừ sâu, gà vườn không ăn thức ăn công nghiệp, heo cỏ nuôi trại theo lối truyền thống… bỗng chốc trở thành “vấn đề thời sự nóng hổi”, được mọi người quan tâm không kém chuyện động đất hay sóng thần.
Tuy nhiên, để tìm được đồ sạch mà ăn cũng không dễ. Nếu như ở thành phố thì người mua còn có thể vào siêu thị hay một số cửa hàng riêng biệt bán đồ “sạch”, đồ theo tiêu chuẩn VietGAP, thì với các vùng nông thôn chỉ có các điểm bán lẻ, các quầy hàng nhỏ trong các xóm hay các chợ nông thôn thì đành chịu thua. Thậm chí gần đây có xu hướng là các gia đình thực hiện phương án “tự cấp tự túc” một số loại thực phẩm cho chắc ăn.
Tất cả cái sự khó nhọc trong việc đi tìm miếng ăn sạch không phải… “bỗng dưng” mà đó chính là hệ quả của việc lạm dụng một cách tùy tiện và bất chấp hậu quả các loại chất cấm, chất độc hại trong sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt. Trong nhiều nguyên nhân của tình hình rất đáng báo động này thì nguyên nhân cơ bản là người sản xuất, chăn nuôi ham chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng; bên cạnh đó là việc kiểm tra của cơ quan quản lý không chặt chẽ, mức xử phạt hành vi sử dụng chất cấm còn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe. Cho nên tuy đã được cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng việc dùng chất cấm vẫn tiếp tục với mức độ nguy hiểm hơn.
Đặc biệt, gần đây cơ quan chức năng phát hiện việc sử dụng chất cấm là chất tạo nạc vượt ngưỡng cho phép tới hàng trăm lần ở hàng loạt địa phương có ngành chăn nuôi lớn. Tồn dư của các chất này trong thực phẩm gây ảnh hưởng xấu cho hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch của người tiêu dùng. Những người sử dụng chất cấm hiểu điều đó, nhưng họ vẫn cố tình làm. Vì lợi nhuận, nhiều người chăn nuôi đã “bước qua lời nguyền” về đạo đức để rồi dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Không chỉ gây hại cho sức khỏe cộng đồng, hành vi này còn dẫn tới việc người tiêu dùng “quay lưng, ngoảnh mặt” với các sản phẩm sản xuất trong nước. Và đó cũng chính là “cái chết được báo trước” đối với tương lai của ngành chăn nuôi, trồng trọt của chúng ta trong lộ trình mở cửa thị trường trong nước theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), và nhất là khi Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và thực hiện trong thời gian tới.
Để ngăn ngừa “cái chết được báo trước” như vậy không còn cách nào khác hơn là các nhà sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi cần thay đổi cách thức làm ăn để lấy lại niềm tin từ khách hàng. Nhất là trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế trong nước với thế giới, nếu chậm trễ thì chuyện sản xuất trong nước đuối sức và thua trên sân nhà là hoàn toàn có thể xảy ra. Hiện nay xu hướng tiêu dùng “sạch” ngày càng được coi trọng và phổ biến, do đó coi trọng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm là cách thức cạnh tranh lành mạnh mà các nhà sản xuất trong nước, nhất là những người nông dân Việt Nam vốn luôn chăm chỉ, cần cù “một nắng hai sương”, phải tính đến để không thua trên sân nhà và có thể bước ra sân chơi toàn cầu.
HẢI ÐĂNG