Từ con nghiện đến tội phạm ma túy
Thời gian qua, tại Bình Định, thực tế điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, hầu hết đối tượng phạm tội mua bán ma túy đều là con nghiện. Sự gia tăng chóng mặt của số đối tượng nghiện khiến công tác phòng chống loại tội phạm ma túy gặp nhiều khó khăn hơn.
Gần đây nhất, lúc 16 giờ, ngày 9.11.2015, lực lượng chức năng phục kích, bắt quả tang Vũ Tuấn Anh (SN 1984, trú phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) đang giao bán ma túy cho con nghiện trước Bến xe khách trung tâm Quy Nhơn. Đây là đối tượng hình sự, từng có 1 tiền án về tội “cố ý gây thương tích”. Sau khi ra tù, Vũ Tuấn Anh không những không chí thú làm ăn mà còn đua đòi theo bạn xấu sử dụng ma túy và từng bước đi vào con đường mua bán ma túy.
Qua điều tra bước đầu, cơ quan chức năng làm rõ, từ đầu tháng 11 đến nay, Vũ Tuấn Anh nhiều lần chuyển tiền vào TP Hồ Chí Minh mua ma túy rồi gửi về Quy Nhơn qua đường xe khách. Sau khi nhận được ma túy, Anh thuê phòng khách sạn để sử dụng và chia nhỏ số ma túy để bán cho các con nghiện. Anh khai, y đã bị bạn xấu gài vào con đường mua bán ma túy.
Nghiện ngập là con đường ngắn nhất dẫn đến ma túy. Tăng Thị Mỹ Quang (SN 1990, trú xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn) là một minh chứng. Đầu tháng 5.2015, Quang bị bắt quả tang khi đang giao bán ma túy tại một ngọn đồi vắng. Cô gái này nghe bạn bè xúi giục tập tành hút hít và rồi nghiện ngập khi mới 16 tuổi. Để có tiền sử dụng ma túy, những năm qua, Quang nhiều lần vi phạm pháp luật, lừa gạt người thân, nhiều lần bị pháp luật xử lý. Và rồi cuối cùng, Quang trở thành kẻ mua bán ma túy.
Đại tá Trương Minh Ngọc, Phó Trưởng phòng PC47 - Công an tỉnh Bình Định, cho biết: “Đầu năm 2015 đến nay, toàn tỉnh phát hiện hơn 20 vụ mua bán trái phép chất ma túy với 31 đối tượng tham gia. Trong đó, 30/31 đối tượng là con nghiện, chiếm tỉ lệ hơn 95%. Những năm trước, tỉ lệ này cũng tương đương; thậm chí năm 2014, 100% đối tượng mua bán, tàng trữ ma túy là con nghiện. Khi đã dính vào ma túy, mỗi ngày, người nghiện phải sử dụng ít nhất từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Lúc đầu, họ còn ráng xoay sở được tiền, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, người nghiện phải lao vào con đường mua bán ma túy lấy lợi nhuận để sử dụng cho bản thân”.
Tệ nạn ma túy nguy hiểm như thế song đáng tiếc vẫn còn không ít thanh thiếu niên vì thiếu kiến thức hoặc vì muốn chứng tỏ “bản lĩnh” nên đã góp tiền để mua ma túy về lén lút sử dụng. Gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh, kể cả tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp sử dụng ma túy, hoặc sử dụng sisha, trong đó có cả học sinh.
Đằng sau cảm giác phê ma túy luôn kèm theo những hệ lụy nguy hiểm, đó là tệ nạn xã hội, là tội phạm, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Để ngăn ngừa hiểm họa đó, thiết nghĩ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần được đẩy mạnh hơn nữa để ý thức về hiểm họa ma túy đến được với mọi người. Chỉ có như thế mới mong kìm hãm được sự gia tăng của loại tội phạm nguy hiểm này, giữ cho xã hội được bình yên.
KIM NGỌC