Tăng lương, giảm biên chế
Với 79,35% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Theo đó, từ ngày 1/5/2016 sẽ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng. Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Số tiền tăng thêm mang tính nhỏ giọt nhưng để có được quyết định này, các cơ quan có trách nhiệm đã phải cố gắng hết sức.Trong điều kiện ngân sách quốc gia căng thẳng như hiện nay, việc phải cắt xén chỗ này, chỗ nọ để có 11.000 tỉ đồng dành chi tăng lương. Vì vậy, lúc đầu tăng lương không có trong kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2016.
Bài toán khó này được Quốc hội giải quyết như sau: Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, ngành, địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ôtô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh...
Nhưng về lâu dài giải pháp căn bản là phải tinh giản biên chế. Hiện nay đội ngũ những người hưởng lương rất lớn, cả nước có đến 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng với đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Nếu so sánh với các nước xung quanh, cụ thể là Trung Quốc thì con số này cao hơn nhiều, họ chỉ chiếm 2,8%.
Kinh tế khó khăn, mọi nguồn thu đều suy giảm dẫn đến ngân sách sụt giảm. Trong khi đó, với một bộ máy hành chính quá cồng kềnh, nhiều người không đáp ứng được yêu cầu công việc thì không nguồn lực tài chính nào có thể tải nổi. Bộ máy đông nhưng khi đánh giá về chất lượng đội ngũ công chức, viên chức hiện nay, nhiều người thừa nhận năng lực yếu kém, làm việc không hiệu quả, sách nhiễu, gây nhiều bức xúc trong dân.
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nhận được quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước. Nghị quyết này cũng đã chỉ ra thực trạng, hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tổng số biên chế có xu hướng tăng lên, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã. Chưa xác định rõ, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu quản lý nhà nước, yêu cầu cung cấp dịch vụ công của từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực cụ thể để làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện cơ cấu công chức, viên chức phù hợp. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu. Thi nâng ngạch công chức, viên chức chất lượng thấp, còn tình trạng để giải quyết chế độ, chính sách,...
Cứ mỗi lần Quốc hội họp lại được nghe những lời tâm huyết của các vị đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất về những bất cập trong bộ máy nhà nước. Nào là tổ chức bộ máy cồng kềnh, biên chế nhiều, tham nhũng không giảm mà lại gia tăng. Muốn cải cách lương cán bộ, công chức một cách căn bản nhưng không biết lấy tiền ở đâu. Lần gần đây nhất, để tăng lương cơ bản từ 930.000 lên 1.150.000 đồng, ngân sách nhà nước đã phải bỏ ra trên 44.000 tỷ đồng/năm. Mới đây, đại biểu Trần Du Lịch đã phải gay gắt trên diễn đàn Quốc hội: Nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ như hiện nay thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này. Nếu không giải quyết được vấn đề này, không thể nghĩ đến việc tăng lương, nâng cao phúc lợi cho người dân
Qua báo chí được biết thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án tinh giản biên chế với mục tiêu từ năm 2015-2021 phải giảm gần 14.000 người, chiếm 10% tổng số biên chế hiện nay, trong đó khối hành chính hơn 1.300 người. Một quan chức của Sở Nội vụ thành phố quả quyết đối tượng cần tinh giản là công bằng, không có đối tượng nào là ngoại lệ trong đợt tinh giản này; ai không hoàn thành nhiệm vụ đều là đối tượng tinh giản, thậm chí quan chức, tiến sỹ, thạc sỹ không làm được việc cũng sẽ bị tinh giản.
Kết quả thế nào còn phải đợi, nhưng trước hết có thể ghi nhận quyết tâm của những người có trọng trách. Tỉnh ta có thể quyết liệt như vậy không?
Ngọc Minh