Tìm kiếm năng khiếu văn nghệ thiếu nhi:
Tín hiệu vui từ một cuộc thi
Vừa qua, Nhà Văn hóa Lao động tỉnh (NVHLÐ) và Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã phối hợp tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng thiếu nhi”. Hoạt động này đã tạo sân chơi để thiếu nhi có cơ hội thể hiện năng khiếu, qua đó, được đào tạo, bồi dưỡng để phát triển khả năng.
Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng thiếu nhi” đã thu hút 61 học sinh từ 6 đến 15 tuổi tham gia thể hiện những tiết mục hát, múa. Qua vòng sơ khảo, Ban tổ chức đã chọn được 22 tiết mục vào đêm thi chung kết.
Bé Hà Diệu Linh Chi nhận giải Nhất về hát.
Tối 8.6, có khá đông người dân TP Quy Nhơn, phụ huynh học sinh tụ tập về sân khấu ngoài trời của NVHLĐ để thưởng thức, cổ vũ cho những tiết mục lọt vào đêm thi chung kết Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng thiếu nhi”. Tại đây, khán giả không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến trên sân khấu, những “búp măng non” xinh xắn thể hiện một cách tự tin, đáng yêu và xúc động phần thi của mình. Gói gọn trong hai thể loại hát và múa, qua hình thức biểu diễn đơn, 22 tiết mục của đêm chung kết cho thấy sự đa dạng khi các em mang đến cuộc thi các ca khúc Việt Nam với các điệu múa dân gian, múa Tây Nguyên và các ca khúc nước ngoài…
Để lại ấn tượng mạnh trong lòng người xem là hình ảnh bé Võ Song Giang (Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) chỉ mới 8 tuổi nhưng đã biết “làm chủ sân khấu”, tự tin thể hiện những động tác khó trong tiết mục múa “Âm vang đại ngàn” (đoạt giải Nhất về múa). Là giọng ca sáng, cao và lối thể hiện chững chạc, xúc động bài hát “Gặp mẹ trong mơ” của cậu bé Phan Minh Hoan (9 tuổi, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn). Cô bé Nguyễn Thanh Nhã (11 tuổi, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) tạo bất ngờ khi thể hiện ca khúc quốc tế “Papa” nổi tiếng bằng tiếng Anh.
Còn Phạm Tiến Đạt (9 tuổi, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) nhận được những tràng pháo tay giòn giã của Ban giám khảo, khán giả cho phần biểu diễn thật dễ thương với ca khúc “Tiếng ca mùa hè”. “Em chọn bài hát này vì rất thích giai điệu rộn ràng, tươi vui của nó. Ngoài ra, em muốn chia sẻ nội dung, thông điệp rất ý nghĩa của bài hát đến bạn bè”, Đạt chia sẻ.
Khi cậu bé Nguyễn Minh Nhật bước ra sân khấu cất cao lời bài hát “Ba mẹ cho con” thì ở cánh gà, có một đôi vợ chồng trẻ nước mắt lã chã rơi. Anh là Nguyễn Ngọc Thành và vợ- chị Trần Thị Đức- ba mẹ của Minh Nhật. Trên sân khấu, giọng hát non tơ của Nhật gần như lạc đi: “Dù cho núi đá mòn, biển cạn, dù một mai xa cách muôn trùng, nghĩa mẹ cha không bao giờ con quên”.
Năm nay, Minh Nhật 9 tuổi, cũng là chừng ấy năm chị Đức sống cùng máy chạy thận nhân tạo. Gia đình vừa chuyển từ Nhơn Lý vào Quy Nhơn thuê trọ, để tiện chăm sóc sức khỏe cho chị. Anh chị đăng ký cho đứa con trai duy nhất tham gia Cuộc thi này để thêm niềm vui vào cuộc sống vốn nhiều buồn lo. “Con hát bài này để cầu cho mẹ hết bệnh, sống hoài với con và ba”, tôi không thể cầm được nước mắt khi nghe Minh Nhật nói.
Nhận xét về chất lượng thí sinh tham gia Cuộc thi, nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện, thành viên Ban giám khảo, cho biết: Biểu diễn một tiết mục múa đơn khoảng 5- 7 phút không đơn giản, nhưng nhiều em mới 7- 8 tuổi đã làm được một cách tự tin; nhiều em có chất giọng tốt, cho thấy tiềm năng văn nghệ của thiếu nhi tỉnh ta rất lớn. Nếu các sân chơi như thế này được tổ chức thường xuyên, phong trào múa hát của thiếu nhi sẽ càng phát triển.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một sân chơi bổ ích dịp hè, từ Cuộc thi này, NVHLĐ và Hội VH-NT cùng bắt tay thực hiện một chương trình khá dài hơi nhằm tìm kiếm, bồi dưỡng những hạt giống văn nghệ thiếu nhi tỉnh nhà. Trước mắt, 22 thí sinh lọt vào vòng chung kết sẽ được tuyển vào lớp năng khiếu hát, múa của NVHLĐ và được đào tạo miễn phí. Các em sẽ được các nhạc sĩ, giảng viên âm nhạc, biên đạo múa trong tỉnh trực tiếp giảng dạy để bồi dưỡng, phát triển thêm.
Ông Nguyễn Thành Thư, Giám đốc NVHLĐ, chia sẻ: “NVHLĐ sẽ thành lập các đội văn nghệ thiếu nhi, thiếu niên, làm cơ sở cho việc tổ chức các chương trình văn nghệ có chất lượng cao phục vụ thiếu nhi trong tỉnh”.
Trong 61 thí sinh đăng ký tham gia Cuộc thi, số thí sinh ở huyện rất ít. Nhiều khán giả có chung kiến nghị, cuộc thi các năm sau, nên tổ chức ở nhiều địa phương trong tỉnh để thiếu nhi các huyện có điều kiện thể hiện năng khiếu, từ đó, có thể chọn ra những “hạt giống tốt”.
SAO LY