Nỗi ân hận của phạm nhân thoát án tử hình
Sau khi làm mọi thủ tục quy định của Trại tạm giam Công an tỉnh, tôi được gặp Trần Tuấn Tú sau một ngày được nhận quyết định của Chủ tịch nước về ân giảm hình phạt từ tử hình xuống chung thân. Khác với niềm vui mừng của bất kỳ tử tù nào khi đón nhận đặc ân ấy, Trần Tuấn Tú (SN 1991, trú thôn 10, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) khá bình thản. Vẫn gương mặt ấy, u buồn và bình thản vốn có, như những lần đối diện với pháp luật.
Trước đây, tôi gặp Tú lúc bị bắt sau một ngày gây án. Chỉ vì mâu thuẫn nên Tú đã dùng rựa chém chết bà ngoại của mình. Khi tôi gặp, Tú đã tỉnh rượu. Ấy là lúc Tú hối hận vì đã gây ra tội ác tày trời đối với bà ngoại - người đã hết mực yêu thương, cưu mang, nuôi dưỡng mấy anh em Tú. Rồi qua hai lần xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, bị tuyên với mức án tử hình cho hai tội "giết người" và "cướp tài sản", được chủ tọa phiên tòa cho nói lời sau cùng, Tú vẫn xin Hội đồng Xét xử được nhận mức án cao nhất để tạ tội với bà ngoại.
- Tú này, sao lúc đó cháu không xin Tòa giảm nhẹ hình phạt?
- Cháu thấy tội lỗi mình tày đình quá, nhất là với người đã dành hết tình thương nuôi dưỡng mình trưởng thành. Cháu muốn được chết để sám hối với bà ngoại.
- Sự ăn năn cũng là lời sám hối mà?
Tú cúi đầu im lặng...
Nhớ lại trước đây, có lần Giám thị Trại tạm giam, Đại tá Nguyễn Sơn kể rằng, anh em quản giáo cũng "nhức mình" với Tú. Mọi phạm nhân sau khi bị tuyên mức án tử hình đều viết thư gửi Chủ tịch nước ân giảm hình phạt. Riêng với Tú, ít nhất Tú đã tự mình viết không dưới hai bức thư đề nghị sớm thi hành nhanh bản án để lương tâm được thanh thản.
Những ngày trong phòng biệt giam, tội lỗi dày vò, Tú chỉ nghĩ đến cái chết. Anh em quản giáo kể, lúc ấy, tâm trạng Tú diễn biến phức tạp lắm. Một thời gian dài, cứ màn đêm buông xuống là Tú kêu gào đòi được chết, rồi lại nhớ đoạn nhạc nào hát đoạn ấy, làm náo loạn không gian của trại. Cán bộ quản giáo vừa rắn, vừa mềm mỏng phân tích, Tú mới chịu nghe, nhưng rồi lại tật cũ.
Gợi lại chuyện ấy, Tú cười:
- Mục đích của cháu "quậy" là để trại cho kỷ luật, để bản án được thi hành càng sớm cho lương tâm đỡ dày vò mà thôi. Cháu phạm tội chẳng qua lúc đó quá nóng giận, lại có "ma men dẫn lối " nên mới vậy. Nhiều đêm thức trắng nhớ lại kỷ niệm sống cùng bà ngoại mà khóc một mình, muốn chết để tạ tội chú à!
Bây giờ nghĩ lại cháu thương cán bộ trại lắm. Mình đã làm cán bộ khổ nhưng cán bộ vẫn thương, vẫn động viên và đôi khi thực hiện những đòi hỏi "quá đáng" để "vỗ về" cho cháu khỏi "quậy". Cháu nhớ có lần, trong ngày Tết, Giám thị Sơn xuống chúc Tết, cho cháu 200 ngàn đồng và hỏi muốn ăn gì chú mua. Cứ tưởng chú ấy nói đùa nên cháu nói muốn ăn vịt tiềm. Sau đó, cháu được ăn vịt tiềm thật. Thỉnh thoảng, nhiều cán bộ trại cũng cho vào sổ lưu ký của cháu dăm ba chục ngàn đồng, có khi mì tôm, hộp sữa. Tử tù như cháu mà được ưu ái, đối xử đầy tình người như vậy cháu mang ơn lắm. Cũng nhờ cán bộ trại động viên, cháu mới viết đơn gửi Chủ tịch nước ân giảm hình phạt. Sau này dù có cải tạo ở trại nào thì cháu cũng không bao giờ quên ơn các cán bộ quản giáo.
Hẳn bây giờ, Tú đã có động lực để sống và cải tạo. Đó cũng là cách để sám hối cho tội lỗi của mình.
TẤN TÀI