Khai thác và phát huy âm nhạc dân tộc ở Bình Định:
Đôi điều suy nghĩ
Ngoài dân tộc Kinh, Bình Ðịnh còn có các dân tộc khác sinh sống, chủ yếu là Chăm, Bana và H’re. Vì thế, âm nhạc truyền thống ở Bình Ðịnh rất phong phú và đa dạng. Có nhạc dân gian mang đặc trưng của vùng núi và biển, có nhạc nghi lễ cúng tế, có nhạc sân khấu tuồng và ca kịch bài chòi, có nhạc võ Tây Sơn với nhiều chiếc trống độc đáo. Nền tảng âm nhạc ấy đặt ra cho các nhạc sĩ địa phương trách nhiệm phát huy vốn quý này.
Để phù hợp với trình độ thưởng ngoạn nghệ thuật của công chúng, khi vận dụng, phát huy các giá trị dân gian, truyền thống, các nhạc sĩ phải biết kết hợp với kiến thức âm nhạc hiện đại. Điều này không hề dễ. Bởi hầu hết các ca sĩ - cầu nối giữa tác phẩm âm nhạc và công chúng - đều muốn chọn những bài hát hợp với sở trường mà ít mặn mà với dòng nhạc dân gian kén người nghe, khó tập, khó diễn. Thiên hướng chú trọng ca khúc vì dễ làm, ít chú trọng nhạc không lời vì phải có cả dàn nhạc đông người thể hiện… Vì vậy, dòng âm nhạc dân tộc đang bị dòng nhạc nhẹ lấn át, đôi lúc đôi nơi còn bị lu mờ, không có cơ hội để biểu lộ, phát huy.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính lại nằm ở chỗ thiếu hài hòa, cân đối trong việc phát triển các loại hình âm nhạc; chưa có sự đầu tư thích đáng vào loại hình âm nhạc kinh điển bác học; việc tuyên truyền, quảng bá cho dòng âm nhạc dân tộc còn yếu, lại quá nghiêng về dòng âm nhạc giải trí đơn thuần; chưa xây dựng được nhiều đối tượng công chúng khác nhau… Điều quan trọng hơn nữa là việc đầu tư cơ sở vật chất cho biểu diễn âm nhạc còn thiếu và yếu, ít có những sân chơi đạt tiêu chuẩn, ít có sự giao lưu với dàn nhạc giao hưởng, nhà hát opera biểu diễn những tác phẩm lớn của Việt Nam và thế giới để nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc của khán giả.
Ở Bình Định, vấn đề biểu diễn, thưởng thức loại nhạc giao hưởng thính phòng còn rất hạn chế, nếu không nói là yếu kém. Vì thế, việc định hướng thẩm mỹ âm nhạc vô cùng quan trọng và nên làm ngay trong nhà trường. Việc đầu tư sáng tác ca khúc thiếu nhi hay đưa nghệ thuật sân khấu cổ truyền vào dự án Sân khấu học đường còn mang tính chất tùy thời, chưa có kế hoạch dài hơi và nghiêm túc.
Trong nhiều năm qua, các nhạc sĩ ở Bình Định đã có nhiều cố gắng để khai thác và phát triển âm nhạc mang đặc trưng của quê hương qua những tác phẩm: “Đi tìm người hát Lý thương nhau”, “Bên bờ sông Côn” của nhạc sĩ Vĩnh An; “Non nước quê Dừa”, “Tản mạn quê hương” của nhạc sĩ Vũ Trung; “Bình Định yêu thương”, “Ta và trăng” của nhạc sĩ Thế Tuyên; “Hát Bội đêm xuân” của nhạc sĩ Đào Minh Tâm…
Ở mảng khí nhạc, hợp xướng, một số bản giao hưởng, hòa tấu của các nhạc sĩ Dương Viết Hòa, Thế Tuyên, Bạch Mai… cũng đã phần nào cho thấy ý thức trách nhiệm của nhạc sĩ Bình Định với vấn đề khai thác và phát huy âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ…
Để âm nhạc dân gian được bay cao, bay xa, xứng với tiềm năng vốn có của một vùng đất, vấn đề đặt ra cho các nhạc sĩ địa phương là phải cùng nhau đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác và phát huy âm nhạc dân gian, làm sống lại những bài hát ru, đồng dao, dân ca, những điệu nhạc lễ, nhạc hòa tấu từ di sản âm nhạc dân tộc của cha ông. Để làm được điều đó, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tổ chức nhiều hơn nữa những liên hoan dân ca cổ nhạc, những cuộc thi nhạc khí và dân ca các dân tộc trên đất Bình Định. Các phương tiện truyền thông nên có nhiều bài viết, nhiều chương trình phát thanh, phát hình giới thiệu và giảng giải về âm nhạc dân tộc; có chế độ nhuận bút, bồi dưỡng đặc biệt cho việc khai thác, cải biên, phát triển, biểu diễn âm nhạc dân tộc nhằm động viên, khuyến khích những người làm công tác này.
Nhạc sĩ NGUYỄN GIA THIỆN