Lão ngoan đồng ở Quy Nhơn
(Tưởng nhớ nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn)
Ngoảnh lại, từ ngày ông “bỏ cuộc chơi” đến nay, đã không ít bài viết về ông với tấm lòng tôn vinh, trân trọng. Tôi nghĩ, mình không thể viết gì hơn, huống chi bao cuộc trà, cuộc rượu, bình phẩm văn chương với ông hãy còn tươi roi rói! Tôi chỉ muốn nhắc một cuộc hầu rượu với ông về hát bội - bộ môn nghệ thuật sân khấu mà cả đời ông nghiên cứu, đắm say.
Cũng ham chơi như Châu Bá Thông (1) nhưng trống trơn võ nghệ
Không tóc rối bù
Không sư huynh
Không đồ đệ
Không biết đường gươm dụ dỗ cung phi
Không nửa sợ
Nửa yêu
Lấm lét trốn đi!
Lão ngoan đồng ở Quy Nhơn chẳng biết ngán chi
Cả quỷ ma và quyền uy trong bóng tối
Một đời tôn kính Đào Công
Uyên thâm hát bội
Một đời nhả tơ
Một đời phơi phới!
Đã yêu là yêu tới
Nam cung lẫn Bắc cung
Hả hê ngang dọc Tây Đông
Hồng hồng - tuyết tuyết
Đâu vui hú “lão” đi liền!
Không võ công nhưng biến hóa vô biên
Khi là Vũ đại ca “nghênh ngang” trước đàn em ngưỡng mộ
Khi là Vũ tiên sinh đức độ
Giảng giải từ chương
Cho chữ thánh hiền
Bóng ông đồ như bóng ông tiên!
Người ra đi trong giấc ngủ bình yên
Bỏ lại “cuộc chơi” dở dang hy vọng
Đất Quy Nhơn dường như quá rộng
Khoảng trời kia ai là kẻ lấp đầy?
Không biết đọc những dòng nghiêm cẩn và có chút tếu táo này, ở “cố hương” kia, Vũ đại ca có gì trách mắng. Mà không. Chắc ông khẽ cười: Cái thằng…! Chỉ vậy là đệ đây đã vui lắm lắm! Không uổng công “tháp tùng” nhà văn Lê Hoài Lương hầu rượu bao thu!
Ngoảnh lại, từ ngày ông “bỏ cuộc chơi” đến nay, đã không ít bài viết về ông với tấm lòng tôn vinh, trân trọng. Tôi nghĩ, mình không thể viết gì hơn, huống chi bao cuộc trà, cuộc rượu, bình phẩm văn chương với ông hãy còn tươi roi rói! Ở thư phòng tệ xá, những tập sách quý: “Đào Tấn thơ và từ”, “Đào Tấn tuồng hát bội”, “Đào Tấn qua thư tịch”, “Góp nhặt dọc đường”, “Quỳnh phủ Nguyễn Diêu”… hàng mấy ngàn trang của ông được đặt nơi trang trọng đã đầy ắp nhớ thương, yêu kính.
Tôi chỉ muốn nhắc một cuộc hầu rượu với ông về hát bội - bộ môn nghệ thuật sân khấu mà cả đời ông nghiên cứu, đắm say.
Chuyện là, trong bài phỏng vấn tôi của một tờ báo nọ, phóng viên có hỏi:
“Nhân nói về đề tài hiện đại, tuồng đã đi vào đề tài hiện đại không ít, nhưng gần đây một số người còn muốn đưa vào tuồng những thủ pháp như đồng hiện, nhiều không gian cùng tồn tại một lúc trên sân khấu… Với sân khấu truyền thống, liệu đi theo con đường ấy có phải là đang bỏ mất cái sở trường mà đi vào sở đoản. Và rồi xem xong một vở tuồng, người xem cứ ngơ ngẩn, không hiểu vừa xem tuồng hay xem kịch. Quan điểm của ông về vấn đề này?”
Trả lời: “Tôi cũng trăn trở nhiều về vấn đề này. Quan điểm của tôi là cái gì tinh hoa của cha ông thì ta gìn giữ, phát huy. Nhưng như vậy không có nghĩa là chỉ đóng khung cứng nhắc. Ngay trong tuồng Đào Tấn cũng vậy. Cụ không câu nệ, cụ cho Trụ Vương uống sâm banh, sữa bò nữa kia mà! Ông cha ta sáng tạo được như vậy, sao ta không sáng tạo được? Đó là chưa kể cuộc sống hôm qua và cuộc sống hôm nay luôn có những điều khác nhau. Theo tôi, tuồng truyền thống có ba điểm vừa là đặc trưng, nhưng cũng là nhược điểm hiện nay cần khắc phục. Thứ nhất là tiết tấu quá chậm, trong khi nhịp sống chuyển động rất nhanh. Thứ hai là tính chất tượng trưng, ước lệ. Trong tuồng cổ, diễn viên chỉ ngẩng mặt lên là người xem biết nịnh hay trung. Nhưng cuộc đời thì không phải vậy. Trong cuộc sống có những người mang khuôn mặt đẹp mà lòng dạ thì độc ác. Mặt xấu thì tính cách xấu, cái đó trong tuồng tôi cho là không phù hợp. Ba là nhân vật trong tuồng không có chuyển biến về tính cách. Nhưng cuộc sống thì có những người hôm qua có thể xấu nhưng hôm nay lại tốt và ngược lại. Chưa nói, trong những con người xấu vẫn có những điều tốt đẹp.
Phải làm thế nào để Tuồng vừa giữ được tinh hoa của ông cha, nhưng cũng phải có những cách tân phù hợp là điều tôi và các anh chị khác trong ngành đang trăn trở”.
Đọc trả lời này, không lâu ông nói với tôi: “Mày trả lời được đấy. Trăn trở với hát bội là đúng đấy em. Nhưng, những điều mày cho là nhược điểm, nếu bỏ đi thì không còn là hát bội nữa! “Sửa” những điều ấy để kịch họ làm! Không phải ngẫu nhiên mà chỉ có hát bội mới có mặt nạ! Còn chuyện cách tân thì… đúng là cần nhưng không dễ, đã bàn nhiều lắm rồi. Mà thôi, uống rượu đi! Tao thấy mấy đứa hát bội khổ quá, mày làm quản lý, coi có cách gì cho lũ nó sống được, giữ gìn nghiệp tổ”.
Tôi thầm biết ơn ông. Nghiên cứu tuồng, hiểu tuồng quả thực không đơn giản! Điều mà ông muốn tôi làm là phải “kêu” nhiều hơn nữa, phải đề xuất gì để có cơ chế, chính sách thích hợp cho nghệ sỹ tuồng sống được, không quá khổ như người nghệ sỹ nông dân xưa, diễn xong một vai diễn tài hoa mà chỉ có miếng bánh tráng lót dạ đêm khuya như mấy câu thơ của Hương Đình, lạc quan mà tội tội sao ấy:
Rồi người xong trước nhất
Tay mình chùi mặt mình
Bánh tráng và rượu đế
Đạp xe vào khuya không
(Một vai tuồng)
Bây giờ thì đỡ hơn rồi Vũ đại ca ơi! Không chỉ “mấy đứa hát bội” mà “mấy đứa bài chòi”… cũng tạm đủ sống, giữ nghiệp tiền nhân. Chắc rằng, nếu còn rong chơi trên trần thế, thế nào huynh cũng nâng chén mà ngâm nga:
“Tiếu ngã phù sinh như mãn bách
Dã ưng đề vịnh biến thiên nhai”
(Cười mình nếu sống đầy trăm tuổi
Chỉ thích đề ngâm khắp dưới trời) (2)
VĂN TRỌNG HÙNG
(1) Một nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung
(2) Thơ Đào Tấn
Ông đã trốn mọi người ra đi, không một lời từ biệt, không một câu trăn trối. Tiếc nuối, xót xa, bồi hồi .... nghĩ về thời gian còn được ở bên ông .... bình yên lắm, vui vẻ lắm... Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại thấy buồn lắm...., đau lắm,... Cầu mong Ông được bình yên nơi chín suối, cầu mong linh hồn Ông được siêu sanh về miền cực lạc. Nhớ Ông nhiều, nghẹn ngào... Ông nội của con...