Đến cuối năm 2015: Cả nước chỉ còn 4,5% hộ nghèo
Đây là con số khá ấn tượng được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội, sáng 16.11.
Nội dung về giảm nghèo, chính sách người có công, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề và bảo hiểm xã hội... được các đại biểu Quốc hội tập trung giám sát và chất vấn.
Về nội dung an sinh xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo bền vững, tập trung vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn đặc biệt khó khăn. Hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nhà ở, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh dân tộc thiểu số, tín dụng ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh sinh viên... Đã ban hành chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng gắn với giảm nghèo ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 4,5%, riêng các huyện nghèo còn dưới 30%.
Về tạo việc làm, trong giai đoạn 2011-2015, đã đưa trên 450.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Thúc đẩy mở rộng thị trường, nhất là thị trường có thu nhập cao. Đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy ngoại ngữ; hỗ trợ các huyện nghèo xuất khẩu lao động. Kịp thời đưa người lao động về nước an toàn khi xảy ra xung đột ở nước sở tại. Tăng cường quản lý Nhà nước; thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Tổ chức, sắp xếp lại các trung tâm đào tạo nghề và giáo dục thường xuyên trên địa bàn cấp huyện. Đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình, giáo trình và định hướng dạy nghề theo nhu cầu xã hội. Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách dạy nghề; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, tuyển mới dạy nghề đạt khoảng 9,2 triệu lượt người, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho gần 2,4 triệu lao động nông thôn.
Triển khai thực hiện chính sách, pháp luật; đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng từ 9,7 triệu năm 2011 lên trên 12 triệu năm 2015.
Tuy nhiên, một số chính sách giảm nghèo còn chồng chéo, tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc, tồn đọng trong thực hiện chính sách người có công. Còn tình trạng lao động làm việc ở nước ngoài vi phạm pháp luật; chưa đạt mục tiêu đề ra đối với xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu dạy nghề; chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề còn hạn chế, nhất là đối với lao động nông thôn.
Cuối năm 2015: Phấn đấu 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế
Trong lĩnh vực y tế, các đại biểu tập trung vào chất lượng khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý thuốc chữa bệnh và cơ sở y tế tư nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đến nay, Chính phủ đã ưu tiên bố trí khoảng 7% tổng chi ngân sách Nhà nước (7,6% nếu tính cả trái phiếu Chính phủ) và đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công-tư đầu tư phát triển hệ thống cơ sở y tế. Triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện; nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế xuống cơ sở... Ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA cho các trạm y tế xã. Nâng cao y đức, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế. Tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân; kiểm tra, giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động.
Tích cực thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, khuyến khích mua theo hộ gia đình, góp phần giảm chi phí của người bệnh có bảo hiểm y tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Đến cuối năm 2015, phấn đấu tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 75% dân số.
Tăng cường các biện pháp quản lý thuốc chữa bệnh, nhập khẩu trang thiết bị, vật tư y tế; thực hiện quy định về kê khai, công bố, niêm yết giá. Cải cách đấu thầu thuốc, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm được giá nhiều loại thuốc. Phát triển công nghiệp dược, khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước.
Thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Triển khai các đề án Đẩy mạnh sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau an toàn; bảo đảm vệ sinh an toàn trong vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm. Triển khai hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm, ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm vi phạm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng khám chữa bệnh còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở tuyến cơ sở; tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương chưa được khắc phục căn bản. Việc thanh toán khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, quản lý và đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế còn bất cập. Một số cơ sở y tế chưa thực hiện nghiêm việc niêm yết, kê khai giá theo quy định. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém.
Giáo dục: Dành 20% ngân sách nhưng đào tạo chưa gắn với nhu cầu xã hội
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã triển khai Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, chú trọng liên thông giữa các cấp học, trình độ, hình thức giáo dục, đào tạo. Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015. Thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn địa phương.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho biết, giai đoạn 2011-2015, đã dành 20% tổng chi NSNN cho giáo dục đào tạo, trong đó giáo dục tiểu học chiếm 33%, trung học cơ sở chiếm 22%. Lồng ghép các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án đầu tư khác cho giáo dục.
Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường và ban hành quy định về thành lập, hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học. Chú trọng đào tạo theo nhu cầu xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế. Thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập. Thực hiện công bố chuẩn đầu ra của các ngành, chuyên ngành đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, giáo dục đại học, đào tạo nghề chưa thực sự gắn với nhu cầu xã hội, chất lượng chậm được cải thiện. Việc sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh đại học, cao đẳng còn lúng túng. Cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo Lê Sơn (Chinhphu.vn)