Giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri còn chậm
Sáng 16.11, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đã trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015.
Về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9, báo cáo cho biết, đến trước kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu tiếp thu, giải quyết, trả lời 1.676/1.676 kiến nghị, đạt 100%.
Về kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát, từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, qua hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết 24 nhóm vấn đề và đến nay cơ bản đã được triển khai thực hiện. Điển hình trong số đó là về về quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm cho người sản xuất lúa có lãi; về giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân…
Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ, nhìn chung, việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và các kỳ họp trước, Quốc hội khóa XIII đã được các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương thực hiện nghiêm túc, trả lời đầy đủ kiến nghị thuộc thẩm quyền. Số kiến nghị trả lời đúng thời hạn chiếm gần 70%. Nhiều kiến nghị về ban hành chính sách, pháp luật đã được tiếp thu, giải quyết kịp thời. Việc giải quyết khó khăn cho người dân trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói chung, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở tại đô thị đã có chuyển biến tích cực, nhất là sau khi Quốc hội có nghị quyết về vấn đề này, với gần 97% tổng diện tích đất ở, nhà ở được cấp.
Tuy nhiên, một số bộ, ngành giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và một số kỳ họp trước còn chậm; báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết còn chưa đầy đủ, nội dung chưa rõ ràng. Chưa xác định rõ giải pháp và lộ trình giải quyết; một số báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội còn chưa đáp ứng yêu cầu, sử dụng số liệu cũ, chưa bám sát nội dung kiến nghị như báo cáo về quản lý sử dụng đất nông, lâm trường; về chế độ chính sách đối với cán bộ xã, phường; về kết quả thực hiện giải quyết khó khăn cho người dân sau tái định cư khi thu hồi đất xây dựng các công trình thủy điện.
Qua giám sát cho thấy, kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trong khi đó, việc xem xét, giải quyết, trả lời chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn, giữa hai kỳ họp Quốc hội nên chất lượng giải quyết, trả lời còn những hạn chế nhất định, nhất là những cơ quan nhận được nhiều kiến nghị. Một số kiến nghị thể hiện nguyện vọng và mong muốn rất lớn của cử tri, như về đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi, chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo … là những vấn đề cần có thời gian, nguồn lực, lộ trình cụ thể và sự thống nhất của nhiều bộ, ngành. Vì vậy, việc giải quyết chưa thể đáp ứng được nguyện vọng và mong mỏi của cử tri nhân dân cả nước.
Theo Phan Thảo (SGGP)