KỶ NIỆM 65 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11.6.1948 - 11.6.2013)
“Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”
“Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa... Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng...”. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây 65 năm nay vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự.
Thời gian qua, Công ty cổ phần may An Nhơn phát động nhiều phong trào thi đua: Thi đua lao động sản xuất giỏi, sáng tạo; thi đua giảm hàng lỗi, hàng hỏng, nâng cao năng suất lao động; thi đua giảm thiểu chi phí sản xuất và xây dựng tác phong công nghiệp... đã giúp tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao. Ảnh: NGUYỄN PHÚC
Cách đây 65 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra ác liệt, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27.3.1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc, động viên mọi lực lượng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Để triển khai Chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 11.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động toàn dân Việt Nam thi đua ái quốc.
Tác phẩm Lời kêu gọi thi đua ái quốc có tất cả chưa tới 450 chữ nhưng rất sâu sắc, cụ thể và thiết thực. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục đích thi đua ái quốc là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, 3 thứ giặc nguy hiểm đe dọa cuộc sống của dân ta, phá hoại sự phát triển. Nói về cách làm, Người đã chỉ dẫn phải biết dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây dựng hạnh phúc cho dân.
Người xác định bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, làm việc gì cũng phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều. Khẩu hiệu thi đua này phản ánh đường lối và phương châm chính trị của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Bởi, kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc sẽ là toàn dân đủ ăn, đủ mặc, toàn dân biết đọc, biết viết, bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm, toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn.
Lời kêu gọi của Người đã được đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước hưởng ứng nhiệt liệt, ra sức chiến đấu, lao động, học tập. Các phong trào thi đua phát triển, lan rộng từ hậu phương cho đến tiền tuyến, từ nhà máy, công trường, trường học..., huy động cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để đưa cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm. Đã có trên 30 phong trào thi đua của toàn dân và của riêng các lực lượng, các ngành, các giới gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu biểu như: Đời sống mới (1947); Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm (1952), Vững tay cày, chắc tay súng (1961); Thi đua sản xuất: Nhanh, nhiều, tốt, rẻ (từ năm 1957); Phụ nữ 5 năm tốt (1964); Phụ nữ ba đảm đang (từ năm 1965); Cờ 3 nhất; Thanh niên ba sẵn sàng... Trong kháng chiến chống Mỹ, còn có phong trào thi đua chung cho toàn miền Bắc: Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt (1964); Tất cả chi viện cho miền Nam, thi đua “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”...
Năm 2012, Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là 1 trong 8 đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước tỉnh năm 2012 được nhận Cờ thi đua của Chính phủ.
- Trong ảnh: Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Huỳnh Thanh Xuân thăm, tặng quà, động viên công nhân Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn dọn dẹp vệ sinh trong dịp Tết Quý Tỵ - 2013. Ảnh: NGUYỄN PHÚC
Ngày nay, những bài học kinh nghiệm được rút ra từ phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Đó là: Trước hết, phải xác định mục tiêu, mục đích thi đua để từ đó đề ra những nội dung thi đua phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn lịch sử. Và, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nên vẫn con người ấy, công việc ấy, nhưng thi đua thì sẽ làm việc tốt hơn. Công việc dù to nhỏ, quan trọng khác nhau, nếu hoàn thành tốt, xuất sắc, đều có thể là anh hùng, chiến sĩ thi đua. Cũng theo Người, thi đua yêu nước, trước hết là cuộc thi với chính mình, vượt lên chính mình, “chiến thắng mọi tính xấu trong ta”, để là một người luôn luôn cầu tiến bộ, có đủ năng lực, ý chí, đạo đức, hoàn thành tốt công việc hằng ngày, đồng thời luôn có những suy nghĩ, tìm tòi, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, để công việc đạt hiệu quả cao nhất, tốt nhất.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua phải được tiến hành thường xuyên, biến thành một nếp làm việc, một thói quen tốt; phải có tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phổ biến sáng kiến và khâu quan trọng nhất là công tác khen thưởng kịp thời, thực chất.
NGUYÊN SƯƠNG