Ông Trần Minh Binh - PCT Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh:
“Các phong trào thi đua cần gắn với việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Đảng”
Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày truyền thống thi đua yêu nước (11.6.1948 - 11.6.2013), ông Trần Minh Binh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trưởng Ban Thi đua khen thưởng, đã dành cho Báo Bình Ðịnh cuộc trao đổi về những kết quả của phong trào thi đua yêu nước trong tỉnh thời gian qua.
● Thưa ông, thực tiễn đã chứng minh, ở bất cứ giai đoạn cách mạng nào, thi đua yêu nước cũng hết sức cần thiết. Ông đánh giá như thế nào về phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thời gian qua?
- Thực hiện Lời kêu gọi thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh ta đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, có sức lan tỏa rộng và thu hút nhiều người tham gia, khơi dậy được tiềm năng, tính tích cực, sáng tạo của mọi người, mọi tổ chức, thu được nhiều kết quả thiết thực. Những phong trào thi đua tiêu biểu như: Lao động giỏi, lao động sáng tạo; Nông dân thi đua sản xuất giỏi; Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà; Tuổi trẻ sáng tạo; Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Thi đua quyết thắng; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Xóa đói, giảm nghèo; Xây dựng nông thôn mới... Và rất nhiều, rất nhiều phong trào thi đua yêu nước khác nữa đã và đang phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ý chí đoàn kết phấn đấu vươn lên, tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, năng động và sáng tạo..., góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương giàu đẹp.
● Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hẳn ông cũng nhận thấy những hạn chế trong phong trào thi đua hiện nay?
- Không chỉ tôi mà tất cả chúng ta cần thấy rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong phong trào thi đua ở tỉnh ta thời gian qua, nhất là về nhận thức, về trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan. Chính vì điều này nên phong trào thi đua có nơi, có lúc chưa được tổ chức rộng khắp, nội dung thi đua còn thiếu những chỉ tiêu, giải pháp, còn mang tính hình thức, chưa gắn kết thi đua với công việc thường xuyên, hàng ngày; chưa coi trọng công tác kiểm tra, đôn đốc; sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ.
Thi đua thì phải có khen thưởng. Đây là một khâu rất quan trọng trong tổ chức thi đua, nhằm góp phần tạo không khí thi đua trong sáng, lành mạnh. Tuy nhiên, hiện có nơi chưa bám sát các phong trào thi đua, ít chú ý khen thưởng người lao động trực tiếp, cán bộ ở cơ sở; việc phát hiện, biểu dương, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến chưa được quan tâm đúng mức nên việc phát huy, nhân rộng chưa kịp thời và duy trì thường xuyên...
● Hiện nay, khi đất nước ta đang trong quá trình CNH, HĐH, theo ông, tinh thần thi đua yêu nước cần được thể hiện như thế nào để góp phần thúc đẩy kinh tế và đời sống xã hội phát triển?
- Quán triệt tinh thần “Thi đua là yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, các ngành, các địa phương, trong đó tập trung vào các phong trào thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tỉnh, ngành, địa phương, cơ quan, tập trung vào những công việc hàng ngày, những việc cụ thể. Đó là tháo gỡ khó khăn về vốn, về thị trường cho các doanh nghiệp; thu hút đầu tư; phòng, chống hạn hán, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hành tiết kiệm; bảo vệ môi trường; giữ vững quốc phòng an ninh; kiềm chế tai nạn giao thông...
Các phong trào thi đua cần được gắn với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng đơn vị vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Chúng ta cũng cần thực hiện tốt việc phát động, tổ chức phong trào thi đua, sơ tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp cho xã hội.
● Xin cảm ơn ông!
MINH KHƯƠNG (Thực hiện)