Lợi dụng làm trang trại để khai thác vàng ?
Qua đường dây nóng Báo Bình Ðịnh, một số bạn đọc ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) phản ảnh có một số người ở thôn Kim Sơn núp dưới vỏ bọc trồng keo, lập trang trại chăn nuôi để khai thác vàng trái phép. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã về thôn Kim Sơn tìm hiểu vụ việc.
Mở trang trại để... khai thác vàng
Trong vai những người đi mua rẫy trồng keo, chúng tôi tìm về thôn Kim Sơn để tiếp cận khu vực đang diễn ra hoạt động khai thác vàng trái phép. Từ ngã 3 Kim Sơn nhìn vào khu vực núi có tục danh Cây Cọng (thuộc thôn Kim Sơn), chúng tôi nhìn thấy khá nhiều lều bạt màu xanh nằm ngay lưng chừng núi. Theo phản ánh của người dân địa phương, số lều bạt này do các đối tượng khai thác vàng dựng lên trong quá trình hoạt động.
Khi nghe chúng tôi trình bày mục đích chuyến đi, anh P.V.Kh (nhà ở ngã 3 Kim Sơn), thẳng thừng: “Mấy ông lên đây mua đất mở hầm khai thác vàng chứ trồng keo cái gì. Chuyện một số người dân địa phương lợi dụng việc trồng keo tại núi Cây Cọng để đào đãi vàng hiện đang phổ biến nên mấy ông không cần vòng vo. Nhưng mấy ông muốn mua đất để đào vàng thì hơi khó bởi hầu hết những người có rẫy trồng keo đều tự bỏ tiền hoặc hùn vốn với người khác mua máy móc về hoạt động. Thậm chí, có người còn lên núi thuê đất mở trang trại chăn nuôi nhưng thực chất là làm bình phong che chắn cho việc khai thác vàng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ trang trại mà anh Kh. nhắc tới có tên là Trí, là người dân tại thôn Kim Sơn. Ông Trí mở trang trại tại khu vực núi Cây Cọng để chăn nuôi heo rừng, dê và một số loại gia cầm. Ngoài hoạt động chăn nuôi, ông Trí còn cho một số người dân ở cùng địa phương vào khu vực trang trại khai thác vàng rồi cùng nhau chia lợi nhuận có được từ hoạt động này.
Từ những thông tin trên, chúng tôi quyết định vào sâu bên trong núi Cây Cọng để tiếp cận trang trại của ông Trí, cũng như quan sát hoạt động khai thác vàng tại khu vực này. Trang trại là một khu đất trống rộng khoảng vài trăm mét vuông; gồm khu chuồng trại nuôi heo rừng, nuôi dê được xây dựng kiên cố và một số chuồng làm bằng gỗ dùng để nuôi nhốt các loại gia cầm. Điều đáng nói, tiếng là trang trại nhưng khu vực này không hề có bờ rào để bảo vệ và phân định ranh giới với diện tích rừng bao quanh.
Vào sâu bên trong, cách trang trại khoảng 100 m về hướng Tây, chúng tôi phát hiện một hầm khai thác vàng được che chắn lều bạt khá kiên cố. Lúc chúng tôi có mặt, khoảng 3 - 4 người đang hì hục đào hầm, khoét núi và chuyển đất từ sâu bên trong hầm ra ngoài. Tiếp tục vào sâu bên trong khu vực núi Cây Cọng, bắt gặp nhiều hầm khai thác vàng khác nằm khuất bên trong rẫy keo của một số người dân địa phương. Ngoài ra, chúng tôi còn nghe tiếng động cơ máy nghiền đất, đãi vàng vang khắp núi rừng và bắt gặp nhiều đường mòn bên trong núi được người dân mở để phục vụ hoạt động khai thác vàng trái phép đang diễn ra rầm rộ nơi đây.
Chính quyền chưa nắm bắt thông tin (!)
Việc một số người dân ở thôn Kim Sơn núp bóng trồng keo, mở trang trại chăn nuôi để hoạt động khai thác vàng trái phép không chỉ gây ô nhiễm môi trường, sai mục đích sử dụng đất, vi phạm pháp luật về đất đai mà còn để xảy ra tình trạng tranh chấp đất rừng giữa người dân với nhau. Điển hình như trường hợp gia đình ông Ngô Văn Long (trú thôn Nhơn Sơn, xã Ân Nghĩa) bị một số người ở thôn Kim Sơn chiếm dụng một phần diện tích đất rừng tại khu vực núi Cây Cọng để lập mỏ khai thác vàng. Sau khi phát hiện vụ việc, gia đình ông Long nhiều lần yêu cầu đối tượng chiếm dụng đất trả lại nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Long cho biết: “Đất rừng của gia đình tôi đã được Nhà nước cấp sổ xanh (quyết định giao đất lâm nghiệp-PV) vào năm 1998. Năm 2011, ông Hai Chọn ở thôn Kim Sơn đứng ra nhận là đất của gia đình ông ta rồi cho ông Huỳnh Hạnh cũng ở thôn Kim Sơn vào đó khai thác vàng. Sau khi gia đình tôi phát hiện, ông Hạnh năn nỉ cho ông ta làm một thời gian, khi nào thu đủ vốn thì trả lại đất. Vậy mà đến nay, gia đình tôi đã nhiều lần đòi lại đất nhưng ông Hạnh không chịu trả, còn dùng lời lẽ thách đố đối với gia đình tôi”.
Chiều 6.6, chúng tôi tìm gặp ông Trương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa phản ảnh tình trạng một số người dân lợi dụng việc trồng keo, mở trang trại khai thác vàng trái phép đang diễn ra tại địa phương. Và thật lấy làm lạ khi Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa lại trả lời rằng chưa nắm bắt được thông tin này. Theo ông Hải: “Đúng là trước đây tại khu vực Kim Sơn có diễn ra tình trạng một số người dân vào rừng để đào đãi vàng trái phép. Tuy nhiên, chúng tôi không nắm chính xác có bao nhiêu người tham gia đào vàng vì họ hoạt động theo thời vụ. Còn tình trạng người dân lợi dụng việc trồng keo, mở trang trại để khai thác vàng thì địa phương chưa nắm được”.
Khi chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về trang trại của ông Trí tại khu vực núi Cây Cọng, ông Hải cho biết: Trang trại được ngành chức năng cấp phép nhưng diện tích bao nhiêu, do ai làm chủ và chủ trang trại có cho người khác vào khai thác vàng hay không thì tôi không rõ.
Có thể thấy, tình trạng một số người dân lợi dụng làm kinh tế để hoạt động khai thác vàng tại khu vực núi Cây Cọng đang diễn ra khá rầm rộ và công khai. Chính quyền địa phương và ngành chức năng huyện Hoài Ân cần sớm có biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng này. Bởi nếu một diện tích lớn đất lâm nghiệp tại khu vực núi Cây Cọng tiếp tục bị sử dụng sai mục đích thì không những gây tác động xấu đến môi trường xung quanh mà còn làm biến dạng đất, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, trồng trọt sau này. Mặt khác, không nghiêm cấm việc khai thác khoáng sản một cách triệt để sẽ gây tâm lý người này làm được thì người kia cũng làm được.
VĂN LỰC