“Mốt” từ đệm của học sinh
Trong quán internet, một cậu học trò thả phịch cái ba lô xuống ghế, bảo với người bạn đi cùng:
- Bà cô hôm nay dạy chán vãi!
Cậu bạn đi cùng bên cạnh cũng chẳng chịu kém miếng, vui vẻ đối đáp:
- Chuẩn cờ-mờ-nờ-rờ! Biết thế, tao với mày trốn ra, vào tiệm net sớm hơn.
Cuộc đối thoại tạm dừng khi hai anh chàng bắt đầu tập trung vào luyện game. Riêng tôi, cuộc trò chuyện này làm tôi bất chợt nhớ đến tin nhắn lần trước của đứa cháu trai với bạn mà mình tình cờ đọc được. Nội dung tin nhắn chỉ hai câu mà đến hai cụm từ viết tắt: cmnr, atsm. Tôi đem ra hỏi cháu trai thì nó xuýt xoa, bảo: “Dì lạc hậu thật rồi. Mấy từ đệm này phổ biến đến thế mà dì không biết. “Cmnr” là “con mẹ nó rồi”; “atsm” là “ảo tưởng sức mạnh”. Bữa nay, nói chuyện, nhắn tin với bạn bè, phải dùng mấy từ này thì mới thú vị và sành điệu”.
Tôi quay sang thắc mắc: “Thế lỡ cháu nói nhiều, viết nhiều rồi quen miệng, quen tay. Ðến khi nói với người lớn hoặc viết bài làm văn cũng dùng thì sao?”. Nó thật thà đáp: “Nói với người lớn, viết bài thì tụi cháu không dại mà chêm vào. Nếu có thì nó chỉ là “tai nạn” thôi. Như hôm rồi, trong tiết học thêm, một bạn lớp cháu đến muộn, cô giáo hỏi nguyên nhân thì nó quen miệng, lý giải: Em bị “tào tháo” rượt, mệt vãi. Thế là xong, cô la một trận. Nó lí nhí xin lỗi cô. Nhưng rồi khi tan học, bạn bè trò chuyện với nhau, nó và tụi cháu lại tiếp tục sử dụng mấy từ này. Ðệm mấy chữ này vô lời nói nghe vui tai hơn hẳn!”.
Từ đệm, tiếng lóng này mới nghe qua đúng là vui tai, hài hước thiệt. Vì xu hướng thích những điều mới mẻ, khác lạ nên học sinh, sinh viên dễ dàng hưởng ứng “trào lưu” dùng tiếng lóng này. Không ít người trẻ sử dụng từ đệm, tiếng lóng này theo kiểu thấy bạn sử dụng thì mình cũng bắt chước theo cho đúng “mốt”, đúng xu thế mà không nhận ra được mặt trái của nó. Ðể rồi, khi mật độ sử dụng ngày một nhiều thêm, nó nghiễm nhiên xuất hiện trong cả giao tiếp đòi hỏi chuẩn mực và gây ra tai họa. Tình trạng đáng báo động là một số bạn trẻ thiếu ý thức đã sử dụng tiếng lóng trong bài kiểm tra, giao tiếp với người lớn.
Nhận thức một cách đúng đắn hơn về tiếng lóng, tiếng đệm là điều các bạn trẻ cần chú ý. Tiếng lóng là khẩu ngữ, chỉ dùng trong những hoàn cảnh thân mật, suồng sã, tránh dùng trong giao tiếp chuẩn mực. Với ngôn ngữ, những người trẻ tuổi cũng cần tỉnh táo khi tiếp xúc với những biến tấu vui tai, lạ miệng, sử dụng đúng hoàn cảnh để trở nên văn minh hơn.
HÀ THANH