NSƯT Ngọc Châu: Người thầy tận tâm
Các bậc tiền nhân ngày xưa thường nói “thầy đờn già, con hát trẻ”, ý rằng thầy đàn càng già thì kỹ thuật biểu diễn càng hay, cách truyền dạy cũng điêu luyện, độc đáo hơn. Nhưng, NSƯT Ngọc Châu đã cho thấy điều khác biệt khi làm thầy dạy đàn giỏi từ rất sớm.
Sinh ra trong một gia đình bốn đời có truyền thống âm nhạc dân tộc ở thị xã An Nhơn, Phạm Ngọc Châu (sinh năm 1964) sớm được cha là nghệ nhân nổi tiếng Phạm Sỹ tận tình truyền dạy. Anh có thể sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc, nhưng điêu luyện nhất là đàn nhị và kèn. Sau khi tốt nghiệp lớp Nhạc công tại Trường Văn hóa-Nghệ thuật Bình Định vào năm 1983, Ngọc Châu đã về hoạt động nghệ thuật tại Nhà hát tuồng Đào Tấn cho đến nay.
Được sự dìu dắt tận tình của các nghệ sĩ bậc thầy và học hỏi đồng nghiệp, Ngọc Châu đã trưởng thành rất nhanh. Anh đã khẳng định tài năng của mình qua đoạt nhiều thành tích cao tại các hội thi, hội diễn, liên hoan. Năm 2012, nhạc công Ngọc Châu đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
NSƯT Ngọc Châu (người đầu tiên bên phải) đang biểu diễn.
Thầy trẻ dạy đàn
Ngay từ khi mới về Nhà hát tuồng Đào Tấn, ngoài thời gian làm việc, Ngọc Châu còn hỗ trợ cha mình dạy đàn cho học trò tại nhà. Tính ra lúc đó Ngọc Châu mới ngoài hai mươi tuổi, nên anh vừa làm thầy truyền nghề vừa tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân. Chính sự chân thành và đam mê công việc mà ngày càng có nhiều học trò tìm đến thầy Châu; họ gồm đủ lứa tuổi, thành phần- từ người trẻ ham học hỏi văn hóa nghệ thuật cổ truyền đến cụ già ngoài bảy mươi ghiền nhạc dân tộc, từ trí thức đến nông dân chân lấm tay bùn. Đặc biệt, còn có cả các nhà sư ở một số chùa trong tỉnh cũng tìm đến nhà thầy Châu để học.
Trò tìm thầy hay, thầy cũng “chọn mặt gởi vàng” chứ không tùy tiện trong việc truyền nghề. Ngọc Châu đặt ra tiêu chí bắt buộc phải có ở học trò rất khắt khe, không chỉ cần năng khiếu mà phải thật có tâm anh mới thu nhận. Cái tâm ở đây là sự vượt khó, yêu nhạc cụ như yêu chính bản thân mình. “Người học nhạc cụ truyền thống nói chung và học đàn, kèn nói riêng phải hết sức kiên trì, nhẫn nại, bởi trong quá trình học sẽ không ít lần thấy khó mà nản. Nhiều học trò ở xa, tôi cho tá túc tại nhà để tiện việc kèm cặp học hành. Đối với những ai đến học với mong muốn được trở thành nhạc công biểu diễn, khi đã đáp ứng yêu cầu trong nghề thì tôi đều quan tâm giới thiệu việc làm”, NSƯT Ngọc Châu chia sẻ.
Tận tâm truyền nghề
Nhìn cái cách NSƯT Ngọc Châu tỉ mỉ uốn nắn từng động tác cầm, kéo, đẩy, rung dây đàn đến việc rèn nâng, ngậm, nhả hơi kèn cho học trò mới thấy công việc của người thầy dạy nhạc không hề đơn giản. Sự đào tạo bài bản, nghiêm túc của thầy Ngọc Châu đã góp phần giúp cho Nhà hát tuồng Đào Tấn có thêm nhiều nhạc công có chất lượng, yêu nghề. Nghệ sĩ Bùi Vĩnh Phong, một nhạc công giỏi của Nhà hát tuồng Đào Tấn, xúc động khi nói về người thầy của mình: “Thầy thương yêu học trò như con cháu trong nhà, luôn chăm chút, chỉ bảo tận tình từng ngón đàn, điệu kèn. Trong lòng tôi, thầy như một người cha đáng kính. Tôi có được ngày hôm nay tất cả là nhờ sự dìu dắt của thầy”.
Nghệ sĩ Triều Dâng, người bạn đã đồng hành cùng với Ngọc Châu từ thời còn học lớp nhạc công đến khi về làm việc tại Nhà hát tuồng Đào Tấn, chia sẻ: “Ngọc Châu có tài nhưng khiêm tốn, trọng bạn bè, đồng nghiệp và yêu quý học trò. Bất kể ai có thắc mắc gì về bài bản, thể thức trình bày của từng loại nhạc cụ, Châu đều trao đổi, chia sẻ bằng cả tấm lòng, chẳng chút tính toan” .
Thấy được tài năng và tâm huyết của NSƯT Ngọc Châu, lãnh đạo Nhà hát tuồng Đào Tấn thường xuyên phân công anh kèm cặp, giúp đỡ các nhạc công trẻ. Chính sự hòa đồng, trải lòng và chân thành nơi anh mà lớp trẻ đã tích lũy thêm kinh nghiệm, không ngừng vươn lên. Đặc biệt có học trò của anh còn đạt thành tích cao trong nghề nghiệp, điển hình là nhạc công Trần Quang Hiếu đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ Dân tộc năm 2014 do Bộ VH-TT&DL tổ chức.
Thầy Ngọc Châu còn vinh dự được mời tham gia giảng dạy lớp Trung cấp nhạc công tuồng tại TP Nha Trang. Nhờ nắm được những ngón đàn, điệu kèn chuẩn mực do thầy truyền dạy mà các học trò trong lớp này sau khi tốt nghiệp đã gặt hái thành công trong nghề.
Mỗi dịp 20.11, học trò lại dành niềm tri ân sâu sắc và chứa chan tình cảm đối với thầy Châu qua những lá thư, tấm thiệp mừng hay gói quà mộc mạc nhưng tràn đầy tình cảm. Thầy Châu cũng luôn mong đợi ngày này để hàn huyên cùng học trò và ôn lại những ngón đàn, điệu kèn năm cũ.
Nguyễn Thị Thu Hằng