Nhân Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc (16-22.11):
Cảnh báo tình trạng lạm dụng thuốc
Bác sĩ Trần Như Luận
Năm nay, lần đầu tiên Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc. Theo Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh Trần Như Luận, phòng chống kháng thuốc đã, đang, sẽ là vấn đề mang tính thời sự, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Bác sĩ Trần Như Luận cho rằng, kháng thuốc, mà chủ yếu là kháng kháng sinh, là một vấn đề nan giải của y học thế giới từ hàng chục năm nay, kể từ khi kháng sinh được sử dụng ngày càng quá rộng rãi. Không chỉ các nước nghèo, mà các nước phát triển cũng gánh chịu tác hại nặng nề của kháng thuốc. Dù ở đâu trên thế giới, nguyên tắc số 1 của việc sử dụng kháng sinh là tuyệt đối không được lạm dụng nó. Kháng sinh phải được quản lý và sử dụng một cách nghiêm ngặt. Từ các thầy thuốc kê đơn hàng ngày đến các nhà thuốc và tất cả người bệnh đều phải xem nguyên tắc này là kim chỉ nam trong quá trình điều trị bệnh. Việc áp dụng nguyên tắc này vào thực tiễn và nâng nó lên thành một thông điệp gửi tới cả cộng đồng sẽ không bao giờ là quá muộn.
● Qua quá trình theo dõi công tác truyền thông của ngành Y tế, bác sĩ có nhận định gì về tình hình kháng thuốc hiện nay tại Bình Định?
- Do quá trình di biến động dân số ngày càng tăng rõ trên phạm vi ngày càng rộng, kháng thuốc không còn là vấn đề riêng rẽ của một địa phương hay một quốc gia nào mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Tại Bình Định, khoa Chống nhiễm khuẩn và khoa Vi sinh của BVĐK tỉnh định kỳ đã có những thống kê đáng tin cậy về tình hình sử dụng kháng sinh và tình hình kháng kháng sinh tại bệnh viện. Năm 2010, GARP-Việt Nam và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng một chương trình giám sát và nghiên cứu việc sử dụng kháng sinh và tình hình kháng kháng sinh ở 15 bệnh viện, trong đó có BVĐK tỉnh. Trong giao ban định kỳ, lãnh đạo Sở Y tế thường yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện tăng cường quản lý việc sử dụng kháng sinh và đưa ra những khuyến cáo về phòng chống kháng thuốc dành cho tất cả các bác sĩ làm việc trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, tình trạng kháng kháng sinh vẫn hết sức nan giải. Vấn đề lan ra không những đối với kháng sinh kháng khuẩn mà ngay cả đối với một số thuốc kháng vi-rút. Đơn cử, Lamivudin vừa mới được đưa vào sử dụng để điều trị viêm gan B trong vỏn vẹn 15-20 năm nay thì trong mấy năm nay cũng đã gặp vấn đề kháng thuốc, nhiều bác sĩ buộc phải kê đơn Entecavir và cả Tenofovir. Kháng lao là một thí dụ khác. Theo Chương trình chống lao quốc gia, mỗi năm nước ta phát hiện thêm khoảng 100 ngàn người mắc lao mới, nhưng trong đó có đến 5.100 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc. Điều này rõ ràng đã gây khó khăn lớn cho xã hội, cho các bác sĩ và bệnh nhân vì thời gian điều trị lao kháng thuốc hay lao đa kháng thuốc có thể kéo dài đến nhiều năm. Bên cạnh đó, các thuốc điều trị lao kháng thuốc đều đắt đỏ hơn đến 40 lần so với thuốc điều trị lao thông thường.
Nhân viên y tế cần hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc đúng cách để phòng kháng thuốc.
- Trong ảnh: Cấp thuốc tại TTYT huyện Hoài Nhơn.
● Theo bác sĩ, đâu là những khuyến cáo cần thiết đối với người bệnh và người điều trị để phòng chống kháng thuốc?
- Khi mắc bệnh, mọi người không nên tự điều trị. Cần đến cơ sở y tế hoặc hỏi ý kiến của thầy thuốc càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh. Nếu đã dùng kháng sinh thì phải dùng đủ liều, đủ thời gian do bác sĩ chỉ định. Cũng như đối với mọi dược phẩm, khi sử dụng kháng sinh, nếu xuất hiện triệu chứng hoặc dấu hiệu nghi ngờ là phản ứng không mong muốn của thuốc, hãy tìm cách báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn về chuyên môn.
Với các nhà thuốc, cần hướng dẫn để người bệnh sử dụng dược phẩm theo đúng quy định. Các bác sĩ cần chỉ định kháng sinh đặc hiệu ngay từ đầu. Trong những trường hợp còn nghi ngại thì nên xét nghiệm kháng sinh đồ để chọn lựa kháng sinh theo kháng sinh đồ. Nên tránh sử dụng kháng sinh khi chẩn đoán chỉ đơn thuần là 1 bệnh vi-rút không có biến chứng nhiễm khuẩn. Nên thường xuyên cập nhật kiến thức có liên quan đến tình hình kháng thuốc để chọn lựa kháng sinh phù hợp.
● Xin cảm ơn bác sĩ.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)