Quốc hội thông qua Luật Hoạt động Giám sát của QH, HĐND:
Đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không giới hạn địa bàn
Sáng 20.11, với tỷ lệ tán thành 411/413 ĐB tham gia biểu quyết, bằng 83,20% tổng số ĐBQH, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đã trình Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Theo đó, tiếp thu ý kiến ĐB, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung nghị quyết, thông tư liên tịch của các cơ quan, tổ chức vào nhóm văn bản quy phạm pháp luật chịu sự giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn, dự thảo Luật vừa được thông qua đã bổ sung làm rõ nhiều vấn đề (xem thêm Điều 60).
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến ĐB, dự thảo cũng đã bổ sung quy định về việc Đoàn giám sát có thể gặp, hỏi những người liên quan đến vấn đề được giám sát. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban lâm thời và quy trình Quốc hội xem xét báo cáo kết quả điều tra cũng đã được tiếp thu, làm rõ. Liên quan đến thẩm quyền giám sát của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh sửa lại dự thảo theo hướng đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân không chỉ giới hạn ở địa phương nơi đại biểu ứng cử như thể hiện tại Điều 4 và Điều 54 của dự thảo Luật.
Đối với hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, dự thảo Luật lần này đã bổ sung một số quy định mang tính ổn định của Nghị quyết số 85/2014/QH13 như đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và hậu quả pháp lý của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Về thời điểm, mức tín nhiệm là những vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau, cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để quy định phù hợp hơn, nên trước mắt tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội, sau một thời gian thực hiện sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội để quy định vào Luật. Đồng thời, để tránh trùng lặp trong các quy định giữa 2 văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ rà soát Nghị quyết số 85/2014/QH13 và trình Quốc hội sửa đổi cho phù hợp.
Điều 60. Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp 1. Trước phiên họp chất vấn, đại biểu Hội đồng nhân dân ghi vấn đề chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu chất vấn và gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân. 2. Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân đề nghị Hội đồng nhân dân quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn. 3. Hoạt động chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân được thực hiện theo trình tự sau đây: a) Đại biểu Hội đồng nhân dân nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể; b) Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có); c) Trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời; d) Những người khác có thể được mời tham dự và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình. Thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn được thực hiện theo quy định tại Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân. 4. Hội đồng nhân dân cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp sau đây: a) Chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp; b) Vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh; c) Chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp. Người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời bằng văn bản. Văn bản trả lời chất vấn được gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân đã chất vấn, Thường trực Hội đồng nhân dân trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày chất vấn. Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu Hội đồng nhân dân không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền đề nghị Hội đồng nhân dân đưa ra thảo luận tại kỳ họp Hội đồng nhân dân hoặc kiến nghị Hội đồng nhân dân xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn. 5. Hội đồng nhân dân có thể ra nghị quyết về chất vấn. Nội dung nghị quyết theo quy định tại khoản 5 Điều 15 của Luật này. 6. Phiên họp chất vấn tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trừ trường hợp do Hội đồng nhân dân quyết định. 7. Chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân, người đã trả lời chất vấn có trách nhiệm gửi báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước đến Thường trực Hội đồng nhân dân để chuyển đến các đại biểu Hội đồng nhân dân.
(Trích Dự thảo Luật Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vừa được QH thông qua)
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)