Thông tin ban đầu về ngôi mộ cổ ở An Thái: Có niên đại khoảng thế kỷ XIX
Sau chưa đầy 1 tuần tiến hành khai quật khẩn cấp ngôi mộ cổ tại thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, những kết luận đầu tiên mới đây đã được đưa ra trong buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật.
Chủ trì khai quật - PGS. TS Nguyễn Lân Cường báo cáo sơ bộ kết quả khai quật ngôi mộ cổ ở An Thái.
Vào ngày 12.10.2015, trong quá trình đào đất, san ủi mặt bằng để làm khu tái định cư, tại khu vực có tục danh là Gò Súng Bắn thuộc đội 21, thôn An Thái, nhóm nhân công tình cờ phát hiện một ngôi mộ cổ (ngay sau đó, địa phương đã cho dừng thi công để chờ xử lý). Theo người dân địa phương, Gò Súng Bắn trước đây là nghĩa địa, ngôi mộ nằm trong vùng trũng (ruộng rau muống), qua thời gian bị lấp, đến nay nền đất có sự tác động mạnh mới phát lộ ra.
Nhận được tin báo, ngày 14.10, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cùng với Phòng VH-TT thị xã An Nhơn tiến hành khảo sát ngôi mộ và kết luận đó là ngôi mộ cổ, đang bị xâm hại nghiêm trọng, đồng thời lại nằm trong khu vực đang thi công công trình dân sinh nên cần phải được khai quật khẩn cấp. Ngày 13.11, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã phối hợp với Hội Khảo cổ Việt Nam bắt đầu tiến hành khai quật ngôi mộ cổ trên.
Ở vai trò chủ trì khai quật ngôi mộ cổ, PGS.TS Nguyễn Lân Cường - nghiên cứu viên cao cấp, Tổng Thư ký Hội Khảo cổ Việt Nam - đánh giá cao công tác phối hợp của chính quyền địa phương trong việc tham gia bảo vệ di sản văn hóa. “Công tác chuẩn bị cho khai quật, đặc biệt là việc bảo vệ địa bàn được chính quyền xã Nhơn Phúc thực hiện rất tốt, cả trước và trong những ngày khai quật. Điều này góp phần rất lớn giúp cho việc khai quật, nghiên cứu được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhìn nhận.
Ngôi mộ cổ ở thôn An Thái vừa được khai quật.
Trong vòng chưa đầy 1 tuần kể từ khi các nhà chuyên môn vào cuộc, “bí ẩn” về ngôi mộ cổ tại Gò Súng Bắn được trả lời bằng những thông tin khoa học sơ bộ ban đầu. Theo đó, đây là dạng mộ hợp chất trong quan ngoài quách (quan tài bằng gỗ còn quách bằng hợp chất vôi, vữa, mật và chất dẻo…); di cốt được xác định là nam, tuổi thọ khoảng 67-70 tuổi; dựa vào số đo hốc mắt và mũi có nhiều khả năng đó là người Việt; dựa vào cấu trúc của ngôi mộ và đồ tùy táng, niên đại của ngôi mộ được xác định ở vào thế kỷ thứ XIX. PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, hiện nay ở Việt Nam đã tiến hành khai quật hoặc khai quật “chữa cháy” khoảng 55 ngôi mộ có loại hình tương tự ở miền Bắc và khoảng 10 ngôi mộ ở miền Nam, miền Trung. Ngoài ra, khoảng 50 ngôi mộ hợp chất khác ở miền Bắc và khoảng 100 ngôi mộ ở miền Nam cũng đã được phát hiện nhưng chưa khai quật vì không nằm ở những vị trí phải mở đường hay giải phóng mặt bằng để xây dựng.
Được biết, trước buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật ngôi mộ cổ diễn ra tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh chiều 18.11, hai đơn vị phối hợp khai quật cũng đã tổ chức buổi báo cáo tương tự trước chính quyền và nhân dân địa phương, mang đến cho mọi người những thông tin khoa học về ngôi mộ cổ, tránh những đồn thổi trái chiều phần nhiều mang tính mê tín dị đoan đã từng râm ran trong dư luận kể từ khi ngôi mộ cổ phát lộ.
Về những thông tin khoa học cụ thể và chuẩn xác hơn sẽ có về ngôi mộ cổ ở An Thái, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết thêm: “Đây mới chỉ là báo cáo sơ bộ sau khai quật, chúng tôi sẽ tiếp tục làm khô vải, 2 đôi hài và dép (những hiện vật thu được từ khai quật - pv) để tìm hiểu về chất liệu; phân tích mẫu gỗ quan tài và mẫu của vỏ hợp chất… Kết quả nghiên cứu cụ thể hơn sẽ có trong báo cáo chính thức (hoàn thành sau 3 tháng kể từ ngày khai quật) được gửi tới UBND xã Nhơn Phúc để chính quyền thông tin cho người dân”.
SAO LY