Không chỉ một ngày !
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11, trong những ngày qua trên cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động hướng về thầy cô giáo, những người mang trọng trách lớn trong sự nghiệp “trồng người”.
Có thể nói, với tất cả những ai đã từng cắp sách tới trường, sự tôn vinh, bày tỏ lòng biết ơn đến những người thầy của mình là đạo lý, tình cảm tự nhiên. Đối với mọi thế hệ người Việt Nam, “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” là những giá trị đạo đức thiêng liêng, là cội rễ tình cảm sâu đậm trong hành trang cuộc đời của mỗi người. Vì vậy, tri ân sự nghiệp trồng người, vinh danh nghề dạy học, thể hiện lòng biết ơn thầy cô giáo... trong dịp 20.11 chính là sự tiếp nối truyền thống đạo đức “tôn sư trọng đạo” của ông cha ta từ ngàn xưa truyền lại.
Trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc, nhiều nhà giáo đã trở thành biểu tượng về trí tuệ, nhân cách của con người Việt Nam. Ngày nay, tiếp tục sự nghiệp ấy có biết bao nhà giáo miệt mài cống hiến trọn vẹn tất cả tâm huyết, trí tuệ để truyền bá tri thức cho các thế hệ học trò. Đặc biệt, phải kể đến hàng vạn giáo viên - những người không quản vô vàn khó khăn, gian khổ, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, ngày ngày “cắm bản” vì sự nghiệp “trồng người”. Họ đã chấp nhận những thiệt thòi trong cuộc sống riêng để đưa con chữ đến với những đứa trẻ học trò ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người…
Những lời chúc tốt đẹp, những bó hoa tươi thắm, những tình cảm chân thành trân trọng gửi tới các thầy, cô giáo trong dịp 20.11 chính là sự ghi nhận và tôn vinh cống hiến to lớn của các thầy, các cô đối với xã hội. Tuy nhiên, có lẽ món quà quý giá nhất, niềm vui lớn nhất mà thầy, cô giáo mong muốn nhận được chính là sự chăm ngoan, học giỏi, sự rèn luyện phấn đấu không ngừng để trở thành những công dân tốt, những người lao động chân chính của các thế hệ học trò. Bên cạnh đó, xã hội cần tôn vinh nhà giáo, nghề giáo bằng những chính sách, đãi ngộ hợp lý, thỏa đáng để họ có thể sống được bằng nghề nghiệp, công việc của mình chứ không chỉ là những ghi nhận nhất thời, chung chung trong các dịp lễ lạc.
Dẫu lịch sử có đi đến đâu thì sự nghiệp giáo dục cũng vẫn luôn đồng hành và phát triển trong hành trình của mọi quốc gia, dân tộc và mỗi con người. Các thế hệ học trò vẫn sẽ tiếp bước đến trường để nắm vững tri thức, hoàn thiện nhân cách, trở thành người có ích cho xã hội. Đồng hành và dẫn dắt học trò vẫn là những người thầy - những người đã chọn nghiệp “phấn trắng bảng đen” làm sứ mệnh của cuộc đời mình.
Mỗi người Việt Nam hẳn ai cũng thuộc nằm lòng câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” - “một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy”. Và như thế, sự tri ân thầy cô sẽ không chỉ có một ngày là điều mỗi học trò cần luôn luôn ghi nhớ!
H.Ð