Hướng tới bình đẳng giới trong đời sống gia đình
Công tác bảo đảm bình đẳng giới trong cuộc sống gia đình đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ðể khắc phục hạn chế, đảm bảo hiệu quả thực chất của công tác bình đẳng giới trong đời sống gia đình, đòi hỏi sự nỗ lực của từng đôi vợ chồng và sự chung tay của nhiều ngành, hội đoàn thể với những giải pháp căn cơ.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đang triển khai kiểm tra công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ tại 5 huyện trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để các địa phương đánh giá, nhìn nhận lại tình hình thực tế, từ đó bàn bạc, đưa ra những định hướng cho thời gian tới.
Hoạt động kiểm tra công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ tại huyện Tuy Phước.
Chuyển biến, nhưng chưa hết nguy cơ
Theo báo cáo của các địa phương, trong nhiều năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, hội đoàn thể của địa phương luôn quan tâm tới việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ, bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt là mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
Số vụ bạo lực gia đình có chiều hướng giảm, đơn thư phản ánh cũng ít hơn nhiều so với giai đoạn trước. Công tác truyền thông, vận động xã hội được tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về giới và bình đẳng giới. Khoảng 30% số nạn nhân bạo lực gia đình ở huyện Vĩnh Thạnh được tư vấn về pháp lý, sức khỏe, được các cơ quan, đoàn thể, địa phương giúp đỡ tại chỗ hoặc đưa đi khám bệnh, chăm sóc sức khỏe. 50% số người gây bạo lực gia đình được tư vấn pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại huyện Hoài Nhơn, trong năm 2015, các cán bộ đã tư vấn 42 vụ liên quan đến gia đình, bao gồm 26 vụ mâu thuẫn gia đình, 14 vụ liên quan đến hôn nhân gia đình, 2 vụ bạo lực gia đình. Toàn huyện hiện có 3 câu lạc bộ, 13 nhóm, 2 tổ phòng chống bạo lực gia đình, cùng nhiều địa chỉ tin cậy ở các xã, thị trấn. Nhiều buổi sinh hoạt, truyền thông được tổ chức để nâng cao nhận thức của nhân dân, ngăn ngừa và giảm thiểu các hệ lụy của bạo lực giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em.
Trong khi đó, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trên địa bàn huyện Tây Sơn có xu hướng giảm, nhiều chị em đã nhận thức được và mạnh dạn đấu tranh tố giác hành vi bạo lực đối với mình. Đồng thời, nhờ các đoàn, hội, chính quyền bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân. “Tuy nhiên, trong cuộc sống hôn nhân, bạo lực trên cơ sở giới còn diễn ra phổ biến nhưng ít bị nhận biết, không có hành vi tố giác do bị che phủ bởi truyền thống mang tính văn hóa, những quy tắc chuẩn mực, những tiêu chuẩn đạo đức liên quan đến giới cũng như hệ tư tưởng gia trưởng trong xã hội. Tất cả những điều này đã làm cho bạo lực trên cơ sở giới trở nên “bình thường”. Do đó, mặc dù trên cơ sở pháp lý, phụ nữ được bảo vệ, nhưng trên thực tế vị thế của phụ nữ vẫn luôn thấp hơn nam giới, thực trạng bạo lực với phụ nữ vẫn còn tiếp diễn”, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Sơn Lâm Văn Lành nhận định.
Vận dụng nhiều giải pháp
Không thể phủ nhận một thực tế là tư tưởng phân biệt nam nữ vẫn tồn tại trong xã hội, kể cả trong bộ phận cán bộ, công chức. Qua kiểm tra tình hình thực tế, một số đại diện đơn vị trong Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ địa phương chưa hiểu rõ yêu cầu công việc và xem công việc bình đẳng giới là nhiệm vụ của phụ nữ. Đoàn kiểm tra liên ngành đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức sâu rộng về bình đẳng giới trong gia đình đến các tầng lớp nhân dân. Một việc quan trọng nữa là “nâng chất” hoạt động của các cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở cấp xã, thôn.
Bên cạnh đó, một giải pháp được quan tâm là tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Phạm Tích Hiếu bày tỏ: “Nhà nào thiếu tiền thì chén đũa cũng dễ khua hơn. Người vợ không làm ra tiền, phải phụ thuộc vào chồng thì cũng khó có tiếng nói. Do đó, chúng tôi xác định, phải phát triển công nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nữ. Đồng thời, chú trọng cho chị em vay vốn, phát triển kinh tế gia đình”.
Theo bà Lê Thị Vinh Hương - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó trưởng ban thường trực Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, trong thời gian tới, Sở sẽ tổ chức các lớp tập huấn triển khai Luật Bình đẳng giới; hỗ trợ các địa phương các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới.
Từ năm 2013 đến nay, mô hình câu lạc bộ ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) được triển khai và phát huy hiệu quả thiết thực. Qua 2 năm hoạt động, câu lạc bộ này đã tổ chức 20 buổi sinh hoạt, tuyên truyền; xây dựng đội ngũ cộng tác viên gần 2.815 người; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về phòng, chống bạo lực gia đình bằng hình thức sân khấu hóa, xây dựng “Nhà tạm lánh” cộng đồng tại Trạm Y tế xã. Năm 2013, số vụ bạo lực gia đình trên cơ sở giới có 2 trường hợp, năm 2014 không có trường hợp nào. “Từ thành công của mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại xã Phước Sơn, chúng tôi sẽ đề xuất tiếp tục thực hiện và nhân rộng mô hình này tại một số địa phương trong tỉnh”, bà Hương cho hay.
UBND tỉnh vừa có văn bản giao Sở LÐ-TB&XH (cơ quan Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh) chủ trì, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện 5 năm Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và tổng kết Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2011-2015. Ðồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành, hội đoàn thể và các địa phương xây dựng các báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng thể về kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới.
NGUYỄN VĂN TRANG