Nên thận trọng khi phát triển cây hồ tiêu
Trong vòng 2 năm qua, giá hồ tiêu liên tục tăng và giữ ở mức cao nên nông dân trong tỉnh đã “ưu tiên” đưa cây tiêu lên vị trí “đầu bảng” trong nhóm các loại cây, con để phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh diện tích cây hồ tiêu như hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, nguy cơ mất giá, thị trường tiêu thụ...
Ngoài tầm kiểm soát
Tại huyện Hoài Ân, năm 2010 toàn huyện có 230 ha diện tích trồng tiêu, thế nhưng đến nay, đã tăng lên 388 ha. Như vậy, 5 năm qua, diện tích hồ tiêu ở địa phương này tăng “nóng” đến 158 ha (40%). “Diện tích trồng tiêu đã vượt xa so với quy hoạch của huyện (2015, quy hoạch 300 ha). Diện tích hồ tiêu liên tục tăng nhanh thời gian qua do người dân đổ xô trồng, tập trung chủ yếu ở xã Ân Hữu 92,4 ha; xã Ân Nghĩa 79,9 ha; xã Ân Đức 51,3 ha”, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho biết.
Một người dân ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh chăm sóc vườn tiêu.
Ở huyện Phù Cát, 3 năm qua, nhiều nông dân ở các xã quanh khu vực núi Bà của huyện cũng đổ xô trồng tiêu; một số hộ phá bỏ các loại cây trồng khác để trồng tiêu. Đến nay, toàn huyện hiện có khoảng 50 ha tiêu, tập trung ở các xã: Cát Trinh, Cát Sơn, Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Lâm… Trong đó, xã Cát Trinh có diện tích tiêu nhiều nhất huyện, với hơn 50 hộ trồng tiêu trên diện tích gần 30 ha. Đáng nói, hầu hết các hộ trồng tiêu ở địa phương này chủ yếu là tự phát, với hình thức quảng canh, chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, trước đây cây tiêu ở tỉnh ta chủ yếu trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà nên khó quy ra diện tích đông đặc. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều địa phương ồ ạt mở rộng, phát triển; đến nay, diện tích cây hồ tiêu toàn tỉnh lên tới gần 1.000 ha.
Nên trồng hồ tiêu đúng quy hoạch
Trong khi người trồng hồ tiêu đang vui mừng bởi tiêu được giá, rồi ồ ạt mở rộng diện tích thì các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương lại lo lắng vì sợ diện tích tiêu tăng mạnh sẽ phá vỡ quy hoạch, dẫn đến bất cập trong cung - cầu; đất đai sử dụng thiếu cải tạo sẽ ngày càng thoái hóa, bạc màu. Vì vậy, việc đổ xô trồng cây hồ tiêu như hiện nay cũng gây ra không ít lo ngại về sự phát triển thiếu bền vững của loại cây trồng này.
Có một nỗi lo khác, cây hồ tiêu là cây trồng đòi hỏi sự đầu tư lớn và đòi hỏi chế độ trồng và chăm sóc rất kỹ lưỡng. Ngoài ra, thời gian từ lúc cây lên xanh đến lúc cho thu hoạch cũng khá dài, khoảng 3 năm. Hơn nữa, theo tính toán của người dân hiện nay, mỗi héc ta tiêu trồng mới chỉ riêng cho phí mua cây làm nọc, xây cột, giống cũng đã mất gần 30 triệu đồng, cộng với đó là chi phí về nhân công, phân bón. Ngoài ra, mỗi năm chi phí chăm sóc cho 1 ha tiêu cũng mất gần 50 - 70 triệu đồng. Trong thời gian chờ đến kỳ thu hoạch, khó xen canh cây trồng khác với cây tiêu.
Giống là vấn đề hết sức quan trọng. Vậy nhưng nguồn cung cấp hồ tiêu giống mà nông dân Bình Định sử dụng chủ yếu là mua lại của người quen theo kinh nghiệm của bản thân hoặc tự nhân giống từ những trụ tiêu ít ỏi của mình. Vì vậy, nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh cây hồ tiêu rất dễ xảy ra.
Ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Cát, nhận định: “Nếu cây tiêu phát triển tốt, giá tiêu hạt cứ ổn định như hiện nay thì việc phát triển cây tiêu là điều tốt. Nhưng nếu mở rộng, ngành Nông nghiệp huyện sẽ khó kiểm soát về diện tích, dịch bệnh và cung cầu. Vì vậy, bà con nông dân không nên đổ xô trồng tiêu khi chưa có hướng dẫn của cơ quan chức năng. Mặt khác, nông dân nên chọn trụ tiêu bằng cây sống, trồng xen canh trong vườn điều để tăng lợi ích trên một diện tích, đồng thời tạo môi trường hài hòa cho cây tiêu phát triển”.
Thống kê trong 5 năm qua cho thấy, giá tiêu mỗi năm lại tăng lên: năm 2009 là 39.000 đồng/kg, năm 2010 là 62.000 đồng/kg, năm 2011- 2013 đạt từ 125 - 140 ngàn đồng/kg, đỉnh điểm có lúc lên đến 160 ngàn đồng/kg. Giá hồ tiêu hiện nay dao động 200 - 220 ngàn đồng/kg.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân, do diện tích trồng tiêu tăng quá nhanh nên phòng nông nghiệp huyện cũng đã khuyến cáo bà con nông dân thận trọng khi mở rộng diện tích. Đặc biệt, chỉ thực hiện chuyển đổi trên những vùng đất phù hợp với cây tiêu và chú ý khâu lựa chọn giống đảm bảo chất lượng. “Để cây tiêu phát triển bền vững huyện Hoài Ân khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiêu sạch và an toàn nhằm mục đích phát triển bền vững và nâng cao giá trị”, ông Hòa, chia sẻ.
Có thể thấy, việc bà con nông dân trong tỉnh trăn trở, mong muốn tìm cách làm giàu phù hợp là điều đáng hoan nghênh. Song đáng tiếc là hiện nay nhiều nông dân trồng tiêu, cũng như việc nuôi, trồng một số con, cây trong tỉnh thường mang tính tự phát. Các cơ quan chức năng, chuyên môn thường thụ động, ít tư vấn sản xuất và hỗ trợ gúp nông dân tìm kiếm ra thị trường tiêu thụ sản phẩm. Vì thế gần như người nông dân “tự bơi” là chính. Bởi vậy, để hạn chế tình trạng phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, chính quyền các địa phương nên nghiên cứu, quy hoạch vùng trồng hồ tiêu và hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy hoạch; trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật. Tránh thực trạng cứ hễ thấy ai ở đâu đó nuôi con gì, trồng cây gì có lãi trước mắt thì nhiều người cũng bắt chước làm theo. Cuối cùng, sản phẩm rơi vào tình trạng hàng “dội chợ” buộc phải bán tống bán tháo, bán phá giá.
TRỌNG LỢI