Nhà thơ Triều La Vỹ: “Khi trái chín sẽ rụng và đưa hương”
Nhà thơ Triều La Vỹ bước vào giới sáng tác thời còn là sinh viên và tạo được tên tuổi từ khá sớm. Nhân tập thơ “Nhật ký đêm” vừa ra mắt được đón nhận nồng nhiệt, nhà thơ Triều La Vỹ đã chia sẻ về những tác phẩm của mình.
Nhà thơ Triều La Vỹ (sinh năm 1972) tên thật là Nguyễn Văn Thành, là bác sĩ công tác tại Bệnh viện mắt Bình Định. Đến nay, anh đã đạt được một số giải thưởng văn chương như: Giải Nhì cuộc thi thơ Hạ nhớ của báo Mực tím (1992, cuộc thi này không có giải Nhất), Tặng thưởng chùm thơ hay nhất năm của Tạp chí Sông Hương (1996), Giải Nhất - truyện ngắn, giải Nhì - thơ (không có giải Nhất) cuộc thi “Sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Bình Định” (2015)…
* Từ tập thơ “Bên kia lời hẹn” (năm 1996) đến “Nhật ký đêm” (2015), có ý kiến - Triều La Vỹ là “nhà thơ đã bước qua cái lằn ranh mong manh đáng yêu và thử thách để chững chạc đến những thử thách lớn hơn trong sáng tác”. Anh nghĩ gì về một nhận xét này?
- Đó là một nhận xét thú vị. Nhưng không đúng hẳn. Văn chương không chỉ là năng khiếu chữ nghĩa, mà còn là những trải nghiệm sống đã được chắt lọc và một chút văn hóa đã được trao truyền, tiếp nhận, học hỏi, sàng lọc để trở thành thứ “nước cốt”, một thứ “của báu”… của riêng mình. Nhưng, có thể nói với “Nhật kí đêm” thì nàng Thơ đã mở cửa đưa tôi vào khu vườn văn chương, bằng nụ cười đáng yêu của nàng Mona Lisa. Tình yêu thật sự đòi hỏi sự đam mê và nghiêm túc…
* Trong “Nhật ký đêm”, điều gì đã khiến anh luôn trộn hòa ba cảm thức: tình yêu lứa đôi, tình yêu thiên nhiên đất nước và con người vào thơ mình liên tục như vậy?
- Tình yêu là yếu tố chủ đạo trong thơ tôi. Nhưng không đơn thuần chỉ là tình yêu đôi lứa. Tôi yêu quê hương, đất nước này một cách rất cụ thể. Tôi không thể nói tôi yêu xóm làng, quê hương, đất nước mình nếu không trộn lẫn, hòa quyện như máu thịt trong đó chút rung động dành cho những kỷ niệm nơi mình sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành, tình cảm dành cho người mình yêu thương…
* Trong Nhật ký đêm, bên cạnh những bài thơ tự do thi thoảng cũng xuất hiện vài bài lục bát khá độc đáo. Anh có thể cho biết điều này xuất phát từ đâu ?
- Tôi rất thích ca dao dân ca, đã thuộc nằm lòng nhiều câu ca từ nhỏ. Nhưng tôi luôn tìm tòi chế tác nhiều cách thức cho món ăn tinh thần của mình, để nó không bị nhàm chán, thô ráo. Nếu bạn biết trải lòng thì thiên nhiên, cuộc sống sẽ làm chín… những ý tưởng đã ủ từ lâu trong tâm hồn bạn.
* Thơ anh chữ nghĩa và ý tưởng tung tẩy như vậy nhưng đến văn xuôi lại thấy xuất hiện là một nhà văn dấn thân vào đề tài lịch sử để khai thác cốt truyện. Anh có thấy làm vậy là tự “làm khó” mình không?
- Thật thú vị khi cảm nhận rằng mỗi ngọn núi, dòng sông, mỗi con đường, hòn đá, kể cả đám lá mục ngoài bờ rào cỏ dại mọc đầy kia “có” những hình ảnh, âm thanh, vui buồn của tiền nhân.Vì vậy, khi viết truyện ngắn về lịch sử, tôi thấy thực gần gũi, thật sống động cứ như thể có chút gì của riêng mình ở trong mỗi khung cảnh, mỗi tình tiết, mỗi nhân vật trong truyện vậy. Viết truyện có yếu tố lịch sử quả thực khó. Vô cùng khó. Nhưng có khó khăn và thách thức, hạnh phúc mới thực có ý nghĩa.
* Với lượng tác phẩm truyện ngắn dày dặn, anh có dự định in một tập truyện…
- Tôi đã có hơn “một con giáp” truyện ngắn đã đăng rải rác đây đó mà bạn văn xem là “đọc được”. Một số truyện còn đang nằm trong bí mật…Còn in tập ư, hãy đợi đấy! Khi trái chín… nó sẽ rụng và đưa hương.
LÊ VĂN ĐỒNG