Dinh dưỡng phòng bệnh: Hiểu đúng để ăn đúng
“Có bệnh vái tứ phương”, nhưng nhiều người vì quá lo sợ nên đâm ra kiêng cữ rất nhiều, cái gì cũng sợ ăn vào sẽ phát bệnh, dẫn đến suy nhược cơ thể trầm trọng.
Sinh bệnh vì quá kiêng khem
Sau hơn một tháng được con gái tích cực thuốc thang, tẩm bổ, đến nay sức khỏe của bà Châu Thị Hương (70 tuổi, ở KV 5, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) đã dần hồi phục. Mấy tháng trước, bà Hương cảm thấy mỏi mệt, chân tay bị phù nề nên đi khám. Kết quả chẩn đoán cho thấy, bà bị nhiễm sán lá gan nặng, còn chứng phù nề là do ăn uống không đủ chất. “Mẹ tôi bị suy nhược cơ thể, không còn sức chống đỡ với bệnh tật nữa nên điều trị rất vất vả, phải truyền máu liên tục. Là do kiêng khem quá mức mà ra...”, chị Nga, con gái bà Hương kể chuyện.
Người bệnh cần hiểu đúng về dinh dưỡng để ăn đúng và phòng bệnh cho đúng.
- Trong ảnh: Tham khảo bảng chỉ số đường huyết của thực phẩm.
Thì ra, hơn 2 năm trước, bà Hương bị nổi mẩn ngứa liên tục mà không tìm ra được nguyên nhân. Để giảm ngứa, bà Hương quyết định loại trừ các loại thịt ra khỏi thực đơn hàng ngày của mình, chỉ ăn một ít cá và chủ yếu ăn rau, quả. Hậu quả sau một thời gian dài kiêng khem thiếu khoa học thì đã rõ. “Giờ thì tôi cho mẹ ăn với thực đơn cân bằng dinh dưỡng, động viên bà bỏ thói quen kiêng khem vô lý trong mấy năm qua. Chắc sau đợt này, cụ sẽ không dám kiêng cữ thái quá nữa đâu. Hãi quá rồi mà...”, chị Nga nói.
Về trường hợp kiêng khem quá sinh bệnh như bà Hương, bác sĩ Trần Như Luận, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Bình Định, cho hay, trong 35 năm làm nghề của mình, ông đã gặp rất nhiều người, có lẽ vì quá lo sợ trước bệnh tật mà chọn cho mình một chế độ ăn nghèo nàn, dẫn đến suy kiệt, mất sức đề kháng, cuối cùng gặp nguy hiểm vì bệnh ngày càng nặng. Có người thậm chí bỏ ngoài tai mọi lời khuyên, khăng khăng kiêng cữ quá đáng cho đến chết. Ngược lại, cũng có người quá chủ quan, tin vào các bài thuốc dân gian truyền miệng, các quảng cáo quá mức (như tác dụng chữa bệnh của thực phẩm chức năng) hơn những lời tham vấn của thầy thuốc chuyên môn, kiến thức khoa học trong sách vở, báo chí.
Kiêng sao cho đúng
Bác sĩ Luận cho biết thêm, có rất nhiều loại bệnh khiến người bệnh hốt hoảng, lo sợ, sinh ra kiêng cữ quá mức. Phổ biến hơn cả là đái tháo đường, thứ đến là bệnh dạ dày, gout, gan nhiễm mỡ và tăng mỡ máu. Tuy nhiên, phần đông những bệnh nhân này vẫn chưa quan tâm tới việc sử dụng các dịch vụ tư vấn miễn phí hoặc tham vấn bác sĩ dinh dưỡng mà âm thầm tự tìm hiểu trên mạng, hay qua lời mách bảo của bè bạn, họ hàng. Nhiều người đã không ngần ngại biến mình thành “vật thí nghiệm” cho những phương cách trị bệnh tự thu nhặt được.
Như một bệnh nhân nọ, tuổi đã trên 80, sau khi nghe bạn bè bày cho phương thuốc uống nước lá diếp xoăn để trị bệnh tim, ông đã về làm thử. Tuy nhiên, sau khi uống hết một ca nước rau xay đậm đặc (độ 1 lít) vào đầu buổi tối, thì đến khoảng nửa đêm, ông vã mồ hôi lạnh, huyết áp tụt đột ngột, phải đưa đi cấp cứu. Sau đận chết hụt đó, ông “cạch” không dám áp dụng bừa bãi các bài thuốc truyền miệng nữa.
Kiêng khem đúng cách, dinh dưỡng đúng chế độ đóng một vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh. Người bệnh cần phải hiểu đúng về dinh dưỡng để ăn đúng và phòng bệnh cho đúng. Đây là điều được nhiều chuyên gia y tế và dinh dưỡng khuyến cáo.
Như để điều trị bệnh đái tháo đường, việc bệnh nhân hiểu biết về cách ăn uống và dinh dưỡng rất quan trọng, bởi xấp xỉ 15% người bệnh đái tháo đường tuýp 2 chỉ cần thay đổi chế độ ăn, chưa cần dùng thuốc đặc trị là đường huyết đã có xu hướng trở về mức bình thường. Cụ thể, trong trường hợp này, người bệnh nên ăn đầy đủ chất đạm, chất béo, cung cấp cho cơ thể đủ vitamin, chất khoáng và nước; ưu tiên dùng đạm thực vật, dùng thực phẩm chế biến từ các loại đậu, dùng dầu ăn thay cho mỡ; nên dùng sữa tươi, ăn thịt trắng thay cho thịt đỏ để giảm lượng cholesterol; tránh dùng phủ tạng và da động vật. Với các chất glucid, nguyên tắc chung là trong khẩu phần nên tăng các “thực phẩm đồng quê” như bí, bầu, dưa, đậu và giảm các thứ có nhiều chất đường bột như cơm, bún, phở, miến. Lưu ý, vẫn nên ăn một số loại trái cây chứ không phải kiêng hẳn. Để bảo đảm tính khoa học, nên tham khảo bảng chỉ số đường huyết của thực phẩm và các bảng 4A, bảng 4B và bảng 4C do Viện Dinh dưỡng Việt Nam đề xuất dành cho người bệnh đái tháo đường.
Bác sĩ Trần Như Luận đề xuất: “Tốt nhất, mỗi khi có thắc mắc về dinh dưỡng và bệnh tật, mọi người trong tỉnh nên gọi về số điện thoại 3823820 để được tư vấn, hướng dẫn, hoặc trực tiếp đến Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh (số 131 Lê Hồng Phong, Quy Nhơn) để được được tham vấn, tránh kiêng khem quá mức dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng”.
THU HÀ