Các doanh nghiệp khai thác đá ở huyện Tuy Phước: Tồn tại nhiều bất cập và sai phạm
Trên địa bàn huyện Tuy Phước hiện có 8 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản (chủ yếu là khai thác, chế biến đá xây dựng). Thế nhưng, qua công tác kiểm tra, ngành chức năng ở địa phương đã phát hiện nhiều điểm bất cập, sai sót trong trình tự thủ tục xin khai thác khoáng sản, đến các điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp.
Nhiều vi phạm
Đầu tháng 11.2015, Tổ công tác của huyện Tuy Phước đã kiểm tra hoạt động khai thác mỏ đá tại 2 Công ty TNHH MTV Khoáng sản BMT FICO Bình Định (dưới đây sẽ viết gọn là Công ty FICO Bình Định) và Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Mỹ Quang (đóng ở núi Sơn Triều, thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc). Qua kiểm tra cho thấy, tuy chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất, nhưng 2 đơn vị này - Công ty FICO Bình Định và Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Mỹ Quang đã tiến hành khai thác, chế biến đá rất rầm rộ. Thậm chí, trạm trộn bê tông thương phẩm (diện tích 2.837m2) và nhà xưởng công nhân (diện tích 615m2) của Công ty FICO Bình Định chưa có quyết định cho thuê đất của cơ quan chức năng, nhưng đã xây dựng, lắp đặt xong thiết bị và đưa vào vận hành suốt ngày đêm.
Trong công tác bảo vệ môi trường, dù 2 công ty này có lắp đặt hệ thống phun nước tưới ẩm tại hệ thống dây chuyền chế biến đá và bố trí khu vực lưu giữ chất rắn nguy hại theo quy định; tuy nhiên, vẫn chưa đủ để ngăn chặn, hạn chế được những tác động xấu đến môi trường. Cụ thể, Công ty FICO Bình Định chưa xây dựng hồ lắng, bờ kè, mương thoát nước cũng như hệ thống thu gom và xử lý nước mặt tại trạm trộn bê tông tươi. Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Mỹ Quang chưa xây dựng hồ lắng và hệ thống kênh mương thu gom nước mặt. Thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở, sa bồi đất, đá xuống vùng hạ du và ảnh hưởng đến mồ mả, đất canh tác của các hộ dân trong mùa mưa lũ.
Lắm nỗi lo
Hơn 3 năm trước, Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite tiến hành thuê đất để khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại sườn phía Tây núi Hòn Chà. Cũng từ đó, trên 19 hộ dân sống dưới chân núi thuộc xóm 4, thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành luôn phải trong cảnh mất ăn, mất ngủ vì bụi đá, tiếng ồn và nguy cơ sạt lở đất, đá mỗi khi có mưa.
Chung nỗi lo trên, còn có hàng chục hộ dân sinh sống ven xóm Miễu Nam, thôn Phú Mỹ 2, xã Phước Lộc. Gần 3 năm trở lại đây, người dân khu vực này cũng đang sống trong cảnh thấp thỏm vì bụi đá, tiếng ồn… phát ra từ mỏ sản xuất đá của Công ty TNHH Thuận Đức. Hơn nữa, để khai thác được nhiều đá, doanh nghiệp đã huy động nhân lực, máy móc mở đường và đào bới đất tại các núi đá, khiến cho núi bị biến dạng, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Thậm chí, sau khi khai thác, doanh nghiệp không tái tạo lại mặt bằng, nên vào mùa nắng, gió đã cuốn theo bụi đất tấp vào nhà các hộ dân sinh sống gần đó, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Còn mùa mưa, nước mưa từ trên núi đá mang theo đất từ mỏ đá đổ dồn xuống các tuyến mương dẫn nước và cánh đồng lúa dưới chân núi gây sa bồi nhiều diện tích đất sản xuất.
Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh
Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Đình Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước đã chỉ đạo Phòng TN-MT, Phòng Kinh tế-Hạ tầng, UBND các xã, thị trấn thống kê, rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện để phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp chưa tuân thủ việc bảo vệ môi trường, quy định trong khai thác khẩn trương khắc phục sự cố.
“Qua kiểm tra cho thấy, tuy chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất, nhưng 2 đơn vị này - Công ty FICO Bình Ðịnh và Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Mỹ Quang đã tiến hành khai thác, chế biến đá rất rầm rộ”
Về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Phương, chuyên viên Phòng TN-MT huyện Tuy Phước, cho biết: UBND huyện đã cho chủ trương và yêu cầu Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite khẩn trương xây dựng tuyến kênh thoát nước mặt (dài 351,5m), nhằm đảm bảo tiêu thoát nước, giải quyết dứt điểm nạn sa bồi, thủy phá đất nông nghiệp của người dân. Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Phước Thành phối hợp với doanh nghiệp khẩn trương thực hiện việc làm nói trên.
Đối với, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Mỹ Quang, huyện cũng đã yêu cầu đơn vị này tập trung xây dựng hồ lắng, mương thoát nước mặt, lắp đặt các ống cống thoát nước mưa chảy tràn ngang qua đường giao thông khu vực mỏ.
Riêng Công ty FICO Bình Định (trong biên bản làm việc ghi tên của công ty là Công ty TNHH MTV BMT FICO Bình Định, thiếu hai chữ “khoáng sản”), huyện yêu cầu phải xây dựng ngay hồ lắng, bờ kè, hệ thống thu gom nước thải tại trạm nhựa bê tông tươi. Đồng thời, doanh nghiệp phải khẩn trương thành lập thủ tục thuê đất theo đúng quy định hiện hành.
“Để chấn chỉnh, lập lại kỷ cương trong hoạt động khai thác đá trên địa bàn, thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thành lập Tổ công tác tiến hành kiểm tra những doanh nghiệp còn lại. Qua đó, sớm phát hiện và xử lý kịp thời những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản ở các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để đề phòng nguy cơ sạt lở đất, đá từ các mỏ khai thác, huyện đã yêu cầu các đơn vị khai thác đá đến cuối tháng 11.2015 phải hoàn thành việc cải tạo hồ lắng để chứa đất mùn; hạ các vách đứng, thu gom xử lý đá thải, xử lý đá tảng có nguy cơ sạt lở, đá lăn trong mùa mưa tới. 3 Công ty TNHH Thuận Đức, Công ty cổ phần 504 và Công ty TNHH Hoàn Cầu Granite là những đơn vị mà chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến. Bởi đây là 3 mỏ khai thác đá nằm gần khu dân cư, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá xuống nhà dân là rất cao”, ông Phương cho biết thêm.
TRỌNG LỢI