TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Góp ý Luật Bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em (sửa đổi)
Sáng 23.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường, góp ý Luật Bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về việc thực hiện các quyền của trẻ em; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, đặc biệt là Công ước quốc tế về quyền trẻ em; khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn. Dưới đây là góp ý của ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH Bình Định) về Dự án luật nêu trên.
Về quy định độ tuổi trẻ em
Tôi đồng ý với đánh giá của Chính phủ là người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ, chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và tâm sinh lý; chưa đủ năng lực để thực hiện hết quyền và nghĩa vụ của công dân, cần có sự hướng dẫn quan tâm, chăm sóc, bảo vệ của gia đình, Nhà nước và xã hội để các em được chăm sóc, phát triển toàn diện. Tuy nhiên, việc nâng tuổi trẻ em để nhóm tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục như trẻ em, theo tôi cần cân nhắc thận trọng hơn.
Chúng ta đã có các Luật quy định quyền của nhóm tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi được ưu tiên hơn người thành niên như Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật Hôn nhân và gia đình… Đặc biệt là Luật thanh niên, ngoài 8 quyền quy định đối với thanh niên thì Luật có 1 chương riêng quy định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, bồi dưỡng thanh niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, như: được bảo đảm hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục; tạo điều kiện học nghề, lựa chọn việc làm, có các hoạt động ngoại khóa phù hợp với khả năng và lứa tuổi; không bị xâm hại tình dục, lạm dụng sức lao động; được hướng dẫn chăm sóc sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản, hiểu biết về tình bạn, tình yêu, kỹ năng phòng chống các tệ nạn xã hội.
Trong những năm gần đây, tình hình phạm tội, bạo lực học đường, sự xuống cấp đạo đức của người chưa thành niên tăng lên gây bức xúc trong dư luận và lo lắng cho các bậc phụ huynh. Để nhóm tuổi 16 đến 18 trở nên tốt hơn, các chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ dưới 16 tuổi cần được thực hiện tốt hơn nữa, bên cạnh đó là bồi dưỡng, giáo dục trẻ vị thành niên có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, chứ không hẳn Luật nâng độ tuổi trẻ em lên 18 thì các em sẽ trở nên tốt hơn.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, nếu tuổi trẻ em tăng lên 18 thì số trẻ em sẽ tăng từ dưới 27 triệu lên 30 triệu; với số lượng cán bộ trực tiếp làm công tác trẻ em chưa đầy 2.500 người như hiện nay, được đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Việc tăng số lượng trẻ em sẽ làm giảm nguồn lực dành cho từng trẻ, dẫn đến công tác trẻ em sẽ hạn chế hơn nữa.
Bên cạnh đó nếu nâng tuổi trẻ em thì chúng ta phải rà soát lại một số Luật đã và chuẩn bị thông qua để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, ví dụ như Bộ Luật hình sự có cần phải xem lại quy định "người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi phạm tội" hay không? Hay Luật Hôn nhân và gia đình có cần quy định lại tuổi kết hôn hay không?
Nhiều nước quy định tuổi kết hôn là đủ 18, cũng vừa hết tuổi trẻ em. Tuy nhiên, đối với một số nước phát triển, trước khi trẻ em đủ 18 tuổi, ngoài kiến thức phổ thông, hầu như các kỹ năng sống dành cho thanh niên, các em đã được học và có trải nghiệm thực tế qua các hoạt động ngoại khóa, như kỹ năng tự phục vụ bản thân, kỷ năng điều chỉnh và quản lý cảm xúc, đánh giá bản thân, tự nhận thức, biết hợp tác, chia sẽ, kỹ năng thể hiện tự tin trước đám đông, biết đối diện và ứng phó với khó khăn trong cuộc sống, kỹ năng đánh giá người khác; và cũng được giáo dục kiến thức về giới tính, về hôn nhân và gia đình.
Giáo dục Việt Nam chưa làm tốt công tác giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em ở các cấp học. Theo tôi, để tạo điều kiện cho các em nhóm tuổi từ 16 đến 18 phát triển toàn diện, chúng ta cần tập trung làm tốt các chính sách đã ban hành về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ dưới 16 tuổi, tiếp tục bổ sung kiến thức, bồi dưỡng các kỹ năng sống, đào tạo việc làm để các em vị thành niên phát triển toàn diện; nên xem các em 16 đến 18 tuổi là thanh niên nhưng chưa thành niên, để các em sớm biết tự lập, chịu trách nhiệm với bản thân; chứ không nên xem các em là trẻ em. Vì vậy, tôi đề nghị không tăng độ tuổi trẻ em mà giữ như quy định trước đây, đó là trẻ em là người dưới mười sáu tuổi.
Về việc quy định quyền trẻ em được thực hiện phù hợp với từng nhóm tuổi trẻ em.
Hiện nay chưa có quy định thống nhất trong cách gọi trẻ em, phân biệt thế nào là trẻ sơ sinh, nhũ nhi, trẻ nhỏ, nhi đồng, thiếu nhi, thiếu niên, vị thành niên, chưa thành niên. Dự thảo luật quy định các quyền và bổn phận của trẻ em mà không quy định rõ theo nhóm tuổi thì theo tôi sẽ làm giảm hiệu lực của Luật khi áp dụng vào cuộc sống. Ví dụ Luật quy định trẻ em có quyền bí mật đời sống riêng tư. Như vậy phân biệt bí mật đời sống riêng từ giữa trẻ sơ sinh và thiếu niên như thế nào. Hay bổn phận đoàn kết, hợp tác với bạn bè quốc tế của trẻ nhi đồng khác với trẻ vị thành niên như thế nào?
Không quy định rõ việc áp dụng từng quyền phù hợp với từng nhóm tuổi, ví dụ việc cha mẹ kiểm tra để biết con mình đi đâu, con mình chơi với ai, ghi gì trong nhật ký, lưu gì trong máy tính, làm gì trên mạng khi ở tuổi thiếu niên thì có phạm luật không? Luật có quy định một số quyền, bổn phận được thực hiện phù hợp với lứa tuổi nhưng lại không nêu cụ thể. Nếu Luật giao nghị định quy định các quyền trẻ em được áp dụng cho phù hợp với từng lứa tuổi sẽ là vi hiến vì Hiến pháp quy định chỉ có Luật mới được hạn chế quyền con người, quyền công dân. Chưa kể trường hợp các thông tư quy định quyền trẻ em theo nhóm tuổi. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định liên quan đến tuổi trẻ em, dựa trên sự tương đồng về thể chất, trí tuệ, tinh thần, tâm sinh lý, cấp học để làm căn cứ phân nhóm trẻ; tổng hợp các quyền của trẻ từ các Luật, nghị định, thông tư để cụ thể hóa theo từng nhóm tuổi trong Luật. Có như vậy thì Luật về trẻ em sẽ là một lá chắn phòng vệ để gia đình, trẻ em dùng chống lại các hành vi xâm hại quyền trẻ em trước khi họ nhờ đến sự can thiệp của Nhà nước.
Về việc yêu cầu được bảo vệ khi quyền trẻ em bị xâm phạm.
Trẻ em chưa có đầy đủ năng lực để yêu cầu người khác tôn trọng và bảo vệ quyền của mình. Mặc dù Luật đã quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc bảo vệ quyền trẻ em. Tuy nhiên trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương trong thời gian rất ngắn. Vì vậy Luật cần phải quy định thật cụ thể là tại bất kỳ vị trí nào trên lãnh thổ Việt Nam, khi quyền trẻ em bị xâm hại giao một tổ chức, tốt hơn nữa là một cá nhân có trách nhiệm đại diện chính thức cho nhà nước chủ trì, phối hợp các tổ chức, cá nhân liên quan để bảo vệ trẻ em. Có như vậy các em mới được bảo vệ nhanh chóng, kịp thời.
Hiện nay, có nhiều số khẩn cấp như 113, 114, 115, 18001567 để liên lạc khi quyền trẻ em bị xâm hại, gây lúng túng cho người dân. Mỗi phút, mỗi giây trong tình trạng khẩn cấp đều liên quan đến sinh mạng và tài sản. Để dễ dàng cho người dân và tạo sự nhanh chóng trong phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, cần quy định thống nhất một số khẩn cấp để báo cáo các hành vi xâm hại quyền trẻ em, cũng cần hướng tới số tổng đài khẩn cấp quốc gia duy nhất chứ không chỉ xây dựng hệ thống liên thông giữa các tổng đài khẩn cấp như hiện nay.
Việc cụ thể hóa các nội dung trong Luật như tôi đề nghị đòi hỏi nhiều công sức. Tuy nhiên việc bỏ nhiều công sức hơn khi lập pháp sẽ tạo sự rõ ràng, dễ thực hiện hơn cho hành pháp, tăng hiệu lực của tư pháp. Vì vậy, tôi mong cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Quốc hội quan tâm hơn nữa trong việc cụ thể hóa các quyền trẻ em, cũng như trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong Luật.
SỸ NGUYÊN (ghi)