Cấp bách chống sốt xuất huyết
Thời gian gần đây, số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục tăng cao, nhiều ca có biến chứng nặng nề. Theo dự báo của ngành Y tế, tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi những giải pháp cấp bách để đối phó.
Từ đầu năm 2015 đến ngày 18.11, toàn tỉnh đã có 1.413 ca SXH Dengue. Ca bệnh được ghi nhận ở tất cả 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, chủ yếu ở TP Quy Nhơn (342 ca), huyện Phù Cát (226 ca), Vân Canh (213 ca), Hoài Nhơn (137 ca)… So với cùng kỳ năm 2014, số ca mắc tăng 1.122 ca, gấp 4,9 lần.
Cần tập trung mọi nhân lực, vật lực cho công tác đối phó với SXH.
Đã có tử vong
Ngày 9.11, khoa Nhi (BVĐK tỉnh) tiếp nhận bệnh nhân N.T.Q.K (4 tuổi, ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) với chẩn đoán SXH Dengue nặng ngày thứ 3. Bệnh nhân có biểu hiện sốc nặng, xuất huyết nặng, rối loạn đông máu nặng, suy gan nặng và tổn thương tim, suy hô hấp cấp, tràn dịch màng phổi màng bụng lượng nhiều. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân thở oxi, thở máy, truyền dịch nâng mạch; truyền huyết tương đông lạnh, khối tiểu cầu đậm đặc, hồng cầu khối. Đặc biệt, phải dùng đến 3 loại thuốc vận mạch (Dopamin, Doputamin và Adrenalin), kháng sinh liều cao kết hợp đặt nội khí quản thở máy. Tuy nhiên, sau 27 giờ điều trị tích cực, bé K. vẫn không qua khỏi.
Bên cạnh trường hợp tử vong do SXH đầu tiên trong năm 2015 này, các cơ sở y tế cũng ghi nhận rất nhiều ca bệnh nặng. BVĐK tỉnh - đầu mối tiếp nhận bệnh nhân nặng ở các địa phương, từ đầu năm 2015 đến nay đã điều trị cho 823 ca SXH. Trong đó, trẻ em chiếm lượng lớn, với 445 ca. “Số ca bệnh đặc biệt tăng nhanh từ tháng 9 với 121 ca, sang tháng 10 đã lên đến 299 ca, chỉ trong nửa đầu tháng 11 đã có 209 ca”, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Nguyễn Hoàng Minh cho hay.
Theo phân tích của Giám đốc TTYT Dự phòng tỉnh Bùi Ngọc Lân, từ tháng 9.2015, số ca mắc SXH đã tăng cao gần vượt ngưỡng trung bình 5 năm (2006-2010). Qua tháng 10, ca bệnh đã tăng mạnh vượt trên ngưỡng trung bình 366 ca. Cũng chính từ thời điểm này, ổ dịch xuất hiện nhiều và ca bệnh tăng mạnh tại các huyện trọng điểm.
“Qua nghiên cứu dịch tễ giai đoạn 2007-2014 cho thấy, dịch SXH trên địa bàn tỉnh có xu hướng 3 năm tăng cao 1 lần. Đỉnh dịch thường rơi vào tháng 7 đến tháng 12 hằng năm, tùy thuộc vào lượng mưa và nhiệt độ. Vì vậy, có khả năng diễn biến dịch năm 2015 sẽ tương tự năm 2012, bùng phát vào cuối năm 2015 và năm 2016”, ông Lân nhận định.
Khoa Nhi, BVĐK tỉnh là đầu mối thu dung trẻ mắc SXH nặng.
Tập trung mọi nguồn lực
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế vừa tổ chức hội nghị giao ban công tác phòng chống SXH Dengue, với sự tham gia của tất cả các đơn vị dự phòng và điều trị trực thuộc. Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định, mục tiêu hàng đầu trong chống SXH là phát hiện sớm ổ dịch, xử lý kịp thời, hạn chế tối đa lây lan trên diện rộng. Về điều trị, phải chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời, giảm tối đa biến chứng và tử vong. “Chúng ta phải xác định chống SXH là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu từ đây đến cuối năm 2015; phải huy động mọi nguồn lực cho công tác này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cụ thể, trên lĩnh vực dự phòng, quá trình phát hiện và xử lý ổ dịch phải đảm bảo yếu tố thời gian và quy trình. TTYT Dự phòng hỗ trợ các địa phương trong giám sát véc-tơ muỗi và bọ gậy, chủ động triển khai công tác dự phòng, không “đuổi theo” dịch. Các đội chống dịch cơ động của địa phương phải vào cuộc quyết liệt, dồn hết nhân lực vật lực cho chống SXH. Trạm y tế xã phải cử người “nằm vùng”, nắm tình hình dịch ở từng khu dân cư. Nhân viên y tế thôn cần nâng cao trách nhiệm ở địa bàn phụ trách.
Với hoạt động điều trị, yêu cầu đặt ra là đảm bảo quá trình điều trị đúng phác đồ do Bộ Y tế quy định. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung nhân lực cho các khoa “nóng”, tránh tình trạng nhân viên y tế “quá tải”, dễ dẫn đến sai sót.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đề nghị các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể cùng vào cuộc. Đặc biệt là vai trò của ngành Giáo dục trong việc huy động học sinh tham gia công tác phòng SXH. “Xe phun hóa chất đi qua mà dân đóng cửa thì khác nào đổ hóa chất xuống đường. Mà phun hóa chất thôi là không đủ, quan trọng nhất vẫn là loại trừ lăng quăng. Tại thị trấn Bồng Sơn, chúng tôi mới ghi nhận trường hợp một hộ có trên 10 vật dụng chứa nước có lăng quăng. Học sinh là đối tượng trọng tâm trong công tác truyền thông vận động, chỉ cần từng em tự giác bỏ ra 5-10 phút mỗi ngày để kiểm tra và loại trừ các vật dụng chứa nước có lăng quăng trong nhà, hiệu quả phòng dịch sẽ cải thiện rõ rệt”, ông Bùi Ngọc Lân chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG