Khen thưởng: Niềm tự hào hay là bệnh thành tích?
Có những người từ chối nhận khen thưởng vì họ thấy rằng chưa xứng đáng, nhưng có những người lại "vẽ " ra thành tích để được nhận danh hiệu...
Mấy đứa cháu tôi mỗi lần được thầy, cô tặng giấy khen về chúng khoe từ ngoài ngõ khoe vào. Gặp ông khoe với ông, gặp bà khoe với bà, gặp bố khoe với bố, gặp mẹ khoe với mẹ, chúng mừng lắm... Hôm nào, bạn mà có giấy khen, chúng không được thì buồn lắm, nhìn mặt biết ngay. Trẻ con là vậy, chúng chẳng nghĩ sâu xa gì, có chăng thấy đứa trẻ khác được mà mình không được thì có chút ấm ức, thế thôi.
Khen thưởng với người lớn thì "phức tạp" hơn. Có loại khen thưởng kèm vật chất (một khoản tiền kèm theo hay được bằng khen này, danh hiệu kia thì có điều kiện để tăng lương, bổ nhiệm...). Nhưng cũng có loại khen thưởng chỉ là vinh danh. Ở Pháp, nhiều phần thưởng chỉ là vinh danh như Huân chương Văn học nghệ thuật, Cành cọ hàn lâm... Những phần thưởng này chỉ nhằm tôn vinh công lao những cá nhân về một lĩnh vực nào đó. Nếu là người nước ngoài được tặng thưởng, Đại sứ quán Cộng hòa Pháp có trách nhiệm tổ chức một buổi lễ để trao. Buổi lễ được tổ chức một cách ấm cúng nhưng không kém phần trang nghiêm.
Nhiều người từ chối nhận những phần thưởng mà họ thấy rằng họ chưa xứng đáng. (Ảnh minh họa).
Thường chỉ có gia đình, bạn bè, người thân, đại diện cơ quan của người được tặng thưởng và ngài Đại sứ Cộng hòa Pháp tại nước sở tại, số người dự không quá 50 người. Thậm chí giải thưởng danh giá Goncourt (sáng lập theo di chúc của Edmond de Goncourt vào năm 1896) dành cho một tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất hàng năm cũng chỉ là vinh danh, tiền thưởng kèm theo chỉ là tượng trưng, trước kia là 1 franc (khoảng 2.000 đồng Việt Nam), hiện nay là 10 euro (khoảng 240.000 đồng Việt Nam) khi Pháp chuyển sang sử dụng đồng euro. Nhưng cuốn sách nhận được giải thưởng Goncourt thì bán chạy lắm, mang lại cho nhà văn một món tiền kha khá.
Tuy nhiên, cũng có những giải thưởng kèm theo giá trị vật chất lớn như giải Nobel có giá đến cả triệu USD. Ấy thế mà cũng có người không nhận, không phải một mà nhiều người không nhận, trong đó có ông Lê Đức Thọ, Cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán 4 bên về Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết năm 1973, ông Lê Đức Thọ và Tiến sĩ Henry Kissinger, Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, tại cuộc đàm phán này, được đồng tặng giải thưởng Nobel vì hòa bình. Tiến sĩ Henry Kissinger nhận, ông Lê Đức Thọ từ chối. Ông Lê Đức Thọ tuyên bố đây là sự hy sinh, là xương máu của dân tộc Việt Nam đổ xuống để giành được độc lập, hòa bình cho đất nước, không phải riêng cá nhân ông. Đó là lòng tự trọng của một con người khi quyết định có nhận một phần thưởng hay không.
Rồi có những người từ chối nhận những phần thưởng mà họ thấy rằng họ chưa xứng đáng. Đó cũng là những người có lòng tự trọng. Đối với họ, khen thưởng rất quan trọng nhưng phải xứng đáng, đúng người, đúng việc. Xã hội ta có nhiều người như vậy lắm.
Nhưng cũng có người sẵn sàng nhận những phần thưởng lý ra không đáng nhận. Có ông cán bộ cấp cao còn làm hồ sơ "vẽ" ra các thành tích để được nhận danh hiệu Anh hùng mà trong đó có đến 70% thành tích là của đồng đội. Có người còn "dị ứng" với những phần thưởng hay người ký quyết định những phần thưởng, thậm chí còn giễu cợt cái bằng khen, những phần thưởng mà họ đã đón nhận.
Người lớn mình là như thế đấy. Nếu thấy cái bằng khen nọ, phần thưởng kia không xứng đáng với mình thì nhận làm gì. Nhưng có thể họ không vượt qua được chính mình, vẫn còn vương vấn lòng tham, háo danh, thiếu bản lĩnh và liêm sỉ khi nhận khen thưởng và vật chất của nó mang lại. Như nhiều người nói, đó là những người ''vừa được ăn, vừa được nói, vừa được gói mang về''. Những người đó ở xã hội ta vẫn còn nhưng chắc không nhiều, mong là như vậy./.
Theo Vũ Hải/VOV