Quan hệ Việt Nam - Đức phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực
Vào lúc 19 giờ ngày 24.11 (theo giờ Việt Nam, tức 13 giờ cùng ngày ở Berlin, Đức), chuyên cơ chở Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống sân bay Berlin Tegel, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới CHLB Đức theo lời mời của Tổng thống Đức Joachim Gauck.
Lễ đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã được tổ chức với nghi lễ cao nhất dành cho Nguyên thủ quốc gia với 21 loạt đại bác khi Chủ tịch nước và phu nhân vừa bước ra khỏi chuyên cơ.
Ngay khi đến Berlin, trong chiều 24.11 (tức đêm cùng ngày ở Việt Nam), Chủ tịch nước đã có các hoạt động đầu tiên là gặp gỡ với những người bạn Đức và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Phát biểu với những người bạn Đức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, sự ủng hộ to lớn, sự giúp đỡ chí tình mà nhân dân Đức đã dành cho nhân dân Việt Nam trong những chặng đường vừa qua; nhất là trong công cuộc đấu tranh gian khổ, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, cũng như xây dựng và phát triển kinh tế đất nước hiện nay. Trong 6 thập kỷ qua, hơn 10.000 sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh và hơn 70.000 công nhân lành nghề Việt Nam đã được đào tạo bài bản, chuyên sâu tại Đức. Nhiều người trong số họ đã trở thành những chuyên gia đầu ngành về khoa học kỹ thuật, kinh tế, báo chí, văn học... và đảm nhận những cương vị quản lý quan trọng tại Việt Nam. Chủ tịch nước cho rằng, hiện nay mối quan hệ Việt Nam - Đức đang phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực. Quan hệ chính trị - ngoại giao ngày càng được củng cố với sự tin cậy cao; hợp tác kinh tế giữa 2 nước đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây và trở thành trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược; các dự án hợp tác phong phú và thiết thực trong nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học - công nghệ, pháp luật, môi trường, năng lượng, văn hóa, du lịch,... là những minh chứng sinh động cho sự phát triển toàn diện và hiệu quả của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức.
Trong cuộc gặp với cộng đồng người Việt Nam tại Đức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng khi được gặp gỡ, trò chuyện với đông đảo bà con đại diện cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Đức. Cộng đồng Việt Nam ở Đức hiện có khoảng 125.000 người, trong đó 20% đã nhập quốc tịch Đức. Nhìn chung, kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định, đa số theo diện làm công ăn lương hoặc buôn bán nhỏ. Tại Đức, các hình thức tập hợp hội đoàn của người Việt khá đa dạng như Hội Người Việt Nam, Hội Đức - Việt, các hội đồng hương, câu lạc bộ thơ - văn, nhiếp ảnh, tổ chức xã hội từ thiện…
Phát biểu với cộng đồng người Việt Nam tại Đức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thông báo về một số tình hình trong nước. Theo Chủ tịch nước, Việt Nam tiếp tục phải đối phó với nguy cơ về tụt hậu, với các thách thức về chủ quyền lãnh thổ và biển đảo đang diễn ra ngày càng phức tạp. Về vấn đề biển Đông, việc Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động cải tạo đảo, đá với quy mô lớn tại Trường Sa, vi phạm pháp luật quốc tế, tuyên bố về ứng xử tại biển Đông (DOC) đang gây quan ngại cho hầu hết các nước. Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt Nam luôn kiên định và quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước; bảo vệ hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, thực hiện DOC và tiến tới bộ quy tắc ứng xử COC; đồng thời coi trọng duy trì, phát triển quan hệ ổn định, hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cho biết, nhằm đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán và ký kết Hiệp định tự do thương mại với nhiều đối tác quan trọng và hiện đã kết thúc đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu. Việc hoàn tất đàm phán và triển khai các hiệp định này sẽ mang lại nhiều cơ hội và thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới của Việt Nam. Chủ tịch nước cũng khẳng định, những thành tựu mà đất nước Việt Nam đạt được trong thời kỳ đổi mới, ngoài nỗ lực của nhân dân trong nước, hỗ trợ của quốc tế, còn có đóng góp rất lớn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt ở Đức.
Theo Trần Lưu (SGGP)