Phong tặng, truy tặng Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ I:
18 nghệ nhân Bình Định được vinh danh
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa có quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ I-2015. Trong số 617 nghệ nhân cả nước được vinh danh, Bình Định vinh dự có 18 Nghệ nhân ưu tú ở các lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống.
Tài năng xuất sắc, cống hiến to lớn
Theo Bộ VH-TT&DL, trong số 617 NNƯT đợt đầu tiên, có 600 người được phong tặng, còn lại 17 người được truy tặng vì đã mất trong quá trình xét tặng hồ sơ từ cấp cơ sở cho tới khi có quyết định chính thức từ cấp cao nhất. Đây là sự linh hoạt để ghi nhận những cống hiến của nghệ nhân, dù theo quy định thì việc xét tặng NNƯT đều không áp dụng hình thức truy tặng, đặc cách.
Có nhiều tâm huyết cống hiến cho bài chòi, bà Nguyễn Thị Đức (Minh Đức, người đứng đầu tiên) vừa được phong tặng “Nghệ nhân ưu tú”.
Các NNƯT đều là những gương mặt đại diện tiêu biểu nhất, đáp ứng nhiều tiêu chuẩn: “Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên...” (theo Nghị định số 62 ngày 25.6.2014 của Chính phủ).
Tỉnh Bình Định vinh dự có 18 Nghệ nhân ưu tú trong đợt xét tặng đầu tiên, trong đó có 15 NNƯT ở lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian, 2 NNƯT ở lĩnh vực ngữ văn dân gian, 1 NNƯT ở lĩnh vực lễ hội truyền thống. Xét trên mặt bằng chung ở 55 tỉnh, thành trong cả nước có NNƯT, thì chỉ 7 địa phương có số lượng NNƯT nhiều hơn Bình Định là TP Hà Nội (39 NNƯT) và các tỉnh Kon Tum (43 NNƯT), Nghệ An (39 NNƯT), Vĩnh Long (24 NNƯT), Đắk Nông (21 NNƯT), Phú Thọ và Quảng Ninh (cùng có 19 NNƯT).
Lan tỏa niềm vui
Ở nghệ thuật bài chòi dân gian, 4 NNƯT được công nhận ở Bình Định gồm có: Lê Thị Đào (90 tuổi, ở xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn), Phạm Nghiễm (85 tuổi, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), Nguyễn Thị Đức (64 tuổi, xã Cát Hưng, huyện Phù Cát), Nguyễn Thị Minh Liễu (49 tuổi, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước).
Nghệ nhân Minh Đức đang được Sở VH-TT&DL Khánh Hòa mời đi dạy nghệ thuật bài chòi dân gian Bình Định ở TP Nha Trang. Nhận thông tin được công nhận NNƯT qua điện thoại, bà không khỏi xúc động: “Vượt qua nhiều khó khăn bền bỉ gắn bó với nghệ thuật bài chòi dân gian, đến giờ được Nhà nước phong tặng danh hiệu, với tôi, có ý nghĩa động viên tinh thần rất lớn”.
Trong số các nghệ nhân đang tận tâm cống hiến cho nghệ thuật hát bội Bình Định, đã có 5 người được công nhận NNƯT: Võ Hoàng Lộc (57 tuổi, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn), Lê Thị Thu Hường (50 tuổi, xã Cát Tường, huyện Phù Cát), Lê Công Lễ (đã mất, xã Cát Tường, huyện Phù Cát), Huỳnh Thị Kim Chung (48 tuổi, xã Phước An, huyện Tuy Phước), Hà Thị Hạnh (49 tuổi, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn). Việc truy tặng danh hiệu NNƯT cho cố nghệ nhân Công Lễ (mới mất cách đây hơn 1 tháng, sau khi đoạt được giải Bạc tại Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ) là niềm an ủi để anh “ngậm cười nơi chín suối”.
3 lão võ sư cả đời tận tâm truyền dạy võ cổ truyền đã được phong tặng NNƯT: Trương Văn Vịnh (Phi Long Vịnh, 80 tuổi, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước), Lê Xuân Cảnh (71 tuổi, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn), Hồ Sừng (74 tuổi, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn). “Từ khi biết tin, các lớp học trò rồi phụ huynh đến đưa đón con sau tập luyện cứ rôm rả chúc mừng làm tui thật hạnh phúc. Sự công nhận danh hiệu NNƯT mang ý nghĩa văn hóa này là điều thật đặc biệt sau khi chúng tôi có được danh hiệu võ sư ở lĩnh vực thể thao. Tôi càng phải chạy đua với thời gian để tiếp tục gầy dựng các thế hệ kế cận bảo tồn di sản”, võ sư Lê Xuân Cảnh chia sẻ niềm vui.
Trong số các NNƯT ở Bình Định, có 4 NNƯT là người đồng bào dân tộc thiểu số: Phan Chí Thành (81 tuổi, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát), Đinh Thị HLên (79 tuổi, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh), Đinh Chương (76 tuổi, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh), Yang Danh (71 tuổi, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh). Đây là những người đã có nhiều công lao sưu tầm, nghiên cứu, trình diễn các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Ba na.
2 NNƯT còn lại có niềm vui như “nhân lên bội phần” bởi đều là đại diện duy nhất của tỉnh được vinh danh ở lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể mà mình đã tâm huyết đóng góp trong nhiều năm qua: Nguyễn Thị Thuận (56 tuổi, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) là nghệ nhân đánh trống trận Tây Sơn nổi tiếng ở Bảo tàng Quang Trung. Hồ Thanh Long (66 tuổi, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) giữ vai trò trụ cột trong đội hát múa bả trạo thôn Bình Thái.
HOÀI THU