“Tật nhưng không tàn”
Đó là anh Trần Văn Châu, sinh năm 1985, ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Dù bị khuyết tật (chân bị teo, chỉ cao 1,2m, di chuyển bằng hai tay) nhưng anh Châu đã nỗ lực vươn lên học nghề điện tử và trở thành thợ giỏi, tự lo cho cuộc sống của mình.
Anh Châu kể lại: “Năm 2000, khi ấy tôi đang học lớp 9, vẫn đi lại bình thường. Nhưng đến học kỳ II tự nhiên đôi chân ngày càng teo lại, đau nhức lắm, không đi đứng được nữa, đành phải nghỉ học, bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp THCS. Tôi thấy tiếc nuối vô cùng nhưng chẳng biết làm sao, lúc nào cũng nhớ đến thời còn được đi học, đặc biệt là những lần tôi tham gia diễn ảo thuật trong các chương trình văn nghệ do nhà trường tổ chức, được các bạn khen ngợi, cổ vũ”.
Sửa chữa đồ điện tử là công việc hàng ngày của anh Trần Văn Châu.
Gia đình kinh tế khó khăn, ba mẹ Châu vẫn chạy vạy khắp nơi để chữa bệnh cho anh nhưng đôi chân cứ càng ngày càng teo tóp. Bệnh nặng, Châu không đi lại được chỉ nằm một chỗ, muốn di chuyển phải cố gắng sử dụng đôi tay nhỏ bé, ngắn củn của mình chống để trườn đi như đứa trẻ, khiến việc đi lại vô cùng khó khăn.
Trong thời gian ở nhà, cái ti vi được xem là người bạn thân của Châu. Cả ngày nằm xem ti vi, Châu thích xem các chương trình truyền hình về khoa học, trong đó Châu đặc biệt mê nghề điện tử. Từ đó, anh tập tành tháo lắp và sửa chữa một số vật dụng thông thường như: lồng đèn trung thu, ô tô chạy bằng pin, đèn pin…, đến một số vật dụng điện tử đơn giản. Có hôm, mẹ Châu nhặt được một cái radio bị hỏng đem về, anh đã tự tìm tòi sửa chữa để chiếc radio hoạt động trở lại. Sau đó, được ba mua cho một cái cassette, Châu tháo tung nó ra để nghiên cứu nguyên lý hoạt động. Từ đó, tay nghề sửa chữa điện tử của anh tiến bộ rõ rệt và được nhiều người biết đến. Châu sắm sửa đồ nghề, mở tiệm sửa chữa điện tử, đồng thời bắt đầu nghiên cứu cách sửa các loại thiết bị khác như: quạt điện, nồi cơm điện, đầu đĩa, âm ly, cả tự chế loa thùng... Các sản phẩm loa thùng của anh Châu đóng tuy mẫu mã không đẹp nhưng âm thanh hay, giá rẻ, được nhiều người trong xã mua dùng. Có cặp loa thùng của anh được trả 4,5 triệu đồng.
Anh dành dụm mua được điện thoại có chức năng chụp ảnh, quay phim, nghe nhạc với giá gần 2 triệu đồng, sau đó tò mò, tháo tung ra để “ngâm cứu”. Từ đó, Châu biết thêm công việc sửa chữa điện thoại di động. Bình quân mỗi tháng anh kiếm được khoảng 1,5 triệu đồng, cộng với khoản trợ cấp cho người tàn tật cũng đủ sống.
Anh Châu cho biết: “Trong quá trình sửa chữa các thiết bị điện điện tử, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn vì mình chỉ biết thực hành chứ không biết lý thuyết. Vì vậy, tôi mong ước mình có thể được học hành về nghề điện tử một cách bài bản hơn và nếu có tiền, tôi sẽ đầu tư mở rộng cửa hiệu sửa chữa điện tử của mình”.
NGỌC NHUẬN