Sự cần thiết phải sửa đổi Luật Báo chí ở nước ta
Luật Báo chí sửa đổi lần này còn có những ý kiến khác nhau về một số điều khoản, nội dung, nội hàm cũng như kỹ thuật soạn thảo văn bản, kết cấu, câu chữ.
Luật Báo chí nước ta được ban hành đầu tiên vào năm 1989; sửa đổi bổ sung năm 1999. Qua 16 năm thi hành Luật Báo chí sửa đổi đã bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp với thực tiễn, vì thế yêu cầu cần phải tiếp tục sửa đổi Luật Báo chí là yêu cầu cần thiết, khách quan phù hợp với tình hình mới do Hiến pháp năm 2013 đặt ra.
Các nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa (Ảnh minh họa)
Ngày nay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có sự xuất hiện của nhiều loại hình truyền thông như: Báo in, báo nói, báo hình, báo mạng thì có sự xuất hiện của nhiều loại hình khác như: Phiên bản báo mạng di động, phiên bản tương tác cho máy tính bảng, phiên bản smatphone, phiên bản mạng xã hội, phiên bản đa phương tiện...Vì vậy để đáp ứng xu thế này, các cơ quan báo chí nước ta có xu hướng tích hợp nhiều loại hình báo chí khác nhau trong một tòa soạn.
Mặt khác, khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ Internet, máy tính phát triển nhanh thì một số loại hình báo chí truyền thống có xu hướng suy giảm (doanh thu từ quảng cáo của các loại báo chí in liên tục giảm từ 132,5 triệu USD vào năm 2009 xuống còn 84,3 triệu USD trong năm 2014).
Thực tế cũng cho thấy trong thời gian gần đây mặc dù Luật Báo chí hiện hành chưa được công nhận mô hình cơ quan báo chí tích hợp đa phương tiện nhưng nhiều cơ quan báo chí nước ta đã có sự thay đổi theo hướng tích hợp, hội tụ từ hai hoặc nhiều loại hình báo chí trong một cơ quan báo chí.
Luật Báo chí ra đời lần đầu vào năm 1989 gồm 7 chương, 31 điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã bổ sung 6 điều và bỏ 1 điều, tổng cộng có 36 điều. Dự thảo Luật Báo chí lần này gồm 6 chương, 59 điều, trong đó 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật báo chí hiện hành.
Trong đó, đáng chú ý là các quy định mới về: Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; về quyền tự do báo chí; tự do ngôn luận báo chí, về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; về lãnh đạo cơ quan báo chí; về cải chính, phản hồi thông tin; về xử lý vi phạm...
Ví dụ như vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, dự thảo luật cho phép cơ quan báo chí thực hiện việc liên kết với các đối tác trong và ngoài nước ở các mức độ và hình thức khác nhau; quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung, thời lượng được phát sóng liên kết để các cơ quan báo chí chủ động thực hiện, chịu trách nhiệm trọng hoạt động liên kết mà không phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, từ đó nhằm đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan báo chí. Dự thảo Luật cũng quy định tên gọi Lãnh đạo cơ quan báo chí cũng được quy định mới để phù hợp với mô hình tòa soạn mà có nhiều ấn phẩm báo chí, nhiều kênh, hệ chương trình.v.v...
Có thể nói, rất nhiều điều khoản, nội dung mới của Luật Báo chí sửa đổi lần này còn có những ý kiến khác nhau về một số điều khoản, nội dung, nội hàm cũng như kỹ thuật soạn thảo văn bản, kết cấu, câu chữ...Nhiều ý kiến trao đổi xung quanh về quy định quản lý hoạt động báo chí bằng một hệ thống cấp giấy phép cho từng loại hình báo chí thì việc phát triển phát triển mô hình cơ quan báo chí tích hợp, đa loại hình sẽ gặp cản trở làm hạn chế tính chủ động, giảm sức cạnh tranh của các cơ quan báo chí.
Hoặc trong dự thảo luật cũng chưa có quy định cụ thể về điều kiện thành lập mô hình tập đoàn truyền thông, tập đoàn báo chí để tạo cơ sở pháp lý cho mô hình này phát triển ở tương lai gần. Trong khi đó trên thực tế ở một số nước trong khu vực và một số cơ quan báo chí nước ta đã có xu hướng phát triển, tổ chức, quản lý và vận hành gần như mô hình của một tập đoàn truyền thông.v.v và .v.v.
Nhìn lại chặng đường lịch sử báo chí ở nước ta cho thấy: Báo in xuất hiện đầu tiên vào năm 1865, đã được 150 năm; nền báo chí cách mạng nước ta cũng bắt đầu bằng loại hình báo in từ năm 1925, đã được 90 năm; loại hình báo nói (phát thanh) bắt đầu từ năm 1945, đã được 70 năm; loại hình báo hình (truyền hình) bắt đầu từ năm 1970, đã được 45 năm; còn loại hình báo mạng (điện tử) bắt đầu từ cuối thập niên 90, cũng được gần 20 năm.
Quá trình phát triển của báo chí cách mạng nước ta đã và đang có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng bảo về tổ quốc và xây dựng đất nước, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới 30 năm qua. Đi đôi với sự phát triển đa dạng, đa tầng, phong phú của các loại hình báo chí đó thì nước ta rất cần phải có một thiết chế, một hành lang để tạo điều kiện cho báo chí phát triển. Và Luật Báo chí sửa đổi lần này cũng không nằm ngoài mục đích đó.
Một nhà triết học đã nói rằng: Cái gì hợp lý nó sẽ tồn tại, cái gì tồn tại bởi nó hợp lý. Luật Báo chí sửa đổi sẽ đi vào cuộc sống ở nước ta giống như triết lý đó./.
Theo Nhà báo Nguyễn Đăng Tiến (VOV)