Cần ưu đãi cao nhất về thuế cho báo chí
Sáng nay, 26.11, với 76,32% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại.
Theo nghị quyết, Quốc hội ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 của Quốc hội. Chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1.1.2016. Quốc hội giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành, có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Thừa phát lại và chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo nghề Thừa phát lại.
Các tổ chức Thừa phát lại được thành lập theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 của Quốc hội tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Thừa phát lại. Chính phủ phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai thi hành nghị quyết và chuẩn bị dự án Luật Thừa phát lại, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo giải trình, tiếp thu về dự thảo nghị quyết, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, việc thí điểm chế định Thừa phát lại là nội dung quan trọng trong chiến lược cải cách tư pháp. Mặc dù còn có những hạn chế, bất cập nhưng qua hai giai đoạn thí điểm, hoạt động Thừa phát lại đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và yêu cầu của Hiến pháp 2013. Các tổ chức Thừa phát lại đã xác lập được vị trí nhất định trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân và cơ quan Nhà nước lựa chọn. Với tính chất là một loại hình dịch vụ pháp lý được thí điểm, trong điều kiện thể chế chưa đầy đủ, lại chịu tác động của nhiều yếu tố không thuận lợi cả về chủ quan lẫn khách quan, nên khó tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Tuy nhiên, kết quả thí điểm (kể cả mặt ưu điểm và các tồn tại, hạn chế) đã cung cấp khá đầy đủ, toàn diện cơ sở thực tiễn để quyết định về vấn đề này. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép chấm dứt việc thí điểm và cho phép Thừa phát lại chính thức hoạt động trong phạm vi cả nước.
Cũng trong sáng nay, với đa số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng. Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, qua thảo luận một số ý kiến đề nghị bổ sung quân hàm Đại tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) đối với người có học vị cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, người có chuyên môn, kỹ thuật giỏi; ý kiến khác đề nghị nâng lên quân hàm Thiếu tướng. Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, cấp bậc quân hàm của QNCN được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu công tác phục vụ, bảo đảm chỉ huy, quản lý trong quân đội nhân dân. Theo dự thảo luật Chính phủ trình, hệ thống cấp bậc quân hàm của QNCN quy định từ Thiếu úy đến Thượng tá là kế thừa pháp luật hiện hành, bảo đảm tương quan với sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong công an nhân dân và đang thực hiện ổn định. Đối với người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ là QNCN từ trước tới nay Bộ Quốc phòng đã ưu tiên tuyển dụng, bổ sung vào đội ngũ cán bộ quân đội và phong quân hàm theo quy định của Luật sĩ quan. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật báo chí (sửa đổi), ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng trong dự thảo luật còn một số quy định chưa rõ, ủy quyền quá nhiều cho Chinh phủ và Bộ trưởng Bộ TT-TT; chính sách phát triển báo chí cũng quy định chung chung. Quan tâm tới quyền tự do báo chí, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) cho rằng dự luật cần có các quy định bảo đảm điều kiện và cơ chế cần thiết để báo chí hoạt động trong khuôn khổ luật pháp. Trên thực tế, một số cơ quan, tổ chức, địa phương còn né tránh, không cung cấp thông tin cho báo chí. Vì vậy, cần có các quy định để không tạo ra “khoảng trống thông tin”, đồn đoán đến từ nguồn thông tin không chính thống. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang đề nghị phải luật hóa quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin của báo chí. Một vấn đề khác là đang diễn ra tình trạng cản trở hoạt động báo chí, thậm chí là hành hung nhà báo… Trong khi đó, dự án luật chưa đề cập tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí hợp pháp bị xử lý thế nào. Về chính sách phát triển báo chí, ĐB Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang cho rằng cần ưu đãi cao nhất về thuế cho báo chí. Hiện nay nguồn thu của báo chí rất khó khăn, phải có chính sách hỗ trợ rõ ràng mới giúp báo chí phát triển được.
Tham gia thảo luận, ĐB Thuận Hữu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho rằng theo dự luật, Hội Nhà báo Việt Nam được giao nhiều nhiệm vụ, nhưng quyền hạn để thực hiện nhiệm vụ như thế nào thì chưa rõ. Chẳng hạn như trong vấn đề bảo vệ quyền lợi hội viên. Một vấn đề khác được ĐB Thuận Hữu nêu ra là rất nhiều nhà báo có ý kiến là các hội nghề nghiệp khác có danh hiệu nghề nghiệp, còn nhà báo thì không có. “Đề nghị Quốc hội cân nhắc và xem xét vấn đề này” – ĐB Thuận Hữu nói. Liên quan đến quy định về người đứng đầu cơ quan báo chí, ĐB Thuận Hữu cho biết các chức danh tổng giám đốc, giám đốc cơ quan báo chí, và ở dưới là tổng biên tập, phó tổng biên tập, với các nước là không mới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các cơ quan báo chí lớn nhiều ấn phẩm thì áp dụng được, nhưng cơ quan báo chí nhỏ có 1 ấn phẩm thì không cần thiết, có thể làm phức tạp thêm. “Lâu nay, tổng biên tập hay tổng giám đốc thì cũng vẫn thế. Theo dự luật, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc chỉ quản lý chung, quản lý tổng biên tập, phó tổng biên tập, có thể dẫn đến có một đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí… không làm gì!” – ĐB Thuận Hữu nêu ý kiến.
Theo Hàm Yên (SGGP)