“Sergei Esenin, tiến trình thơ ca Nga”
Là tập nghiên cứu văn học, phác họa tiến trình thơ ca Nga (Nxb Khoa học xã hội, quý III, 2015) của nhiều tác giả do Lê Từ Hiển-giảng viên bộ môn Văn học nước ngoài của khoa Ngữ văn, Trường Đại học Quy Nhơn- chủ biên.
Tập sách gồm có 2 phần: Phần I “Tổng quan” chỉ có duy nhất một bài viết của Lê Từ Hiển “Sông xanh lặng bóng đôi bờ thùy dương”, với hơn 150 trang sách. Tác giả đã khảo sát thơ ca Nga trong dòng chảy lịch sử, qua nhiều giai đoạn, trào lưu, cùng với những đặc điểm về nội dung và thi pháp. Đặc biệt, nêu bật sự gặp gỡ, tiếp biến của thơ ca Nga trong hồn thơ nước Việt sau này. Phần II: “Những điểm tham chiếu”, tập hợp nhiều bài viết của nhiều tác giả về các tác phẩm, tác giả tiêu biểu trong tiến trình thơ ca Nga. Các tác giả đã dành nhiều “ưu ái” cho nhà thơ Sergei Esenin (1895-1925), bởi vì thơ của ông là “nhịp cầu nối vắt ngang hai thế kỷ XIX-XX, như một tâm điểm quy chiếu, hội tụ các nhà thơ trước và sau ông”.
Tập sách được xem như một nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu về thơ ca xứ sở bạch dương ở Việt Nam, được các giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ ở Đại học Quy Nhơn “làm mới” trong nhận thức, đánh giá thành tựu. Chẳng hạn, bài thơ “Tôi yêu em” của A.Puskin vốn quen thuộc với bao thế hệ học sinh và người yêu mến thơ ca Nga, nay được tác giả Lê Minh Kha “cảm lại” làm bài thơ thêm gần gũi, đồng điệu và sâu sắc hơn. Tập sách cũng “góp phần vào việc giảng dạy thơ ca Nga ở trường phổ thông” và càng có ý nghĩa hơn để kỷ niệm “Năm Văn học Nga” (2015) ở nước ta.
KHẢ XUÂN