Tiếp nối hành trình vì trẻ khuyết tật
UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Dự án “Phẫu thuật chỉnh hình - phục hồi chức năng (PHCN) cho trẻ em khuyết tật cơ quan vận động” tại Bình Định giai đoạn 2016-2020. Và như thế, hành trình vì trẻ khuyết tật lại được tiếp nối, giúp các em vượt qua nỗi đau tật nguyền.
Mục đích mà Dự án “Phẫu thuật chỉnh hình - PHCN cho trẻ em khuyết tật cơ quan vận động” hướng tới là hỗ trợ phẫu thuật, cấp dụng cụ chỉnh hình, PHCN cho trẻ em khuyết tật cơ quan vận động trên địa bàn tỉnh, giúp các em được PHCN vận động, hòa nhập cộng đồng. Tổng giá trị của Dự án là 1,551 tỉ đồng; trong đó SAP-VN tài trợ 1,276 tỉ đồng, còn lại là kinh phí đối ứng của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh (275 triệu đồng).
Một đợt phẫu thuật miễn phí dành cho trẻ khuyết tật cơ quan vận động.
Hoạt động đầu tiên của Dự án là điều tra, khảo sát, lập danh sách trẻ em khuyết tật cơ quan vận động tại tất cả 159 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - những nơi ít có điều kiện tiếp cận với các hoạt động tương tự trước đây. Sau đó là bước khám phân loại, lập hồ sơ quản lý đối tượng; chọn trẻ có khả năng PHCN thông qua phẫu thuật chỉnh hình để đề nghị phẫu thuật, cấp dụng cụ chỉnh hình. Bên cạnh đó là các hoạt động giáo dục, hướng dẫn phục hồi chức năng, quản lý, theo dõi trẻ khuyết tật tại cộng đồng, kết hợp với tổ chức tuyên truyền nội dung, ý nghĩa của Dự án.
SAP-VN là cái tên không còn xa lạ với những người làm công tác chăm lo cho trẻ khuyết tật tại Bình Định. Tổ chức này đã tham gia các hoạt động trợ giúp trẻ em khuyết tật tại tỉnh ta từ năm 2000. Trong giai đoạn 2000 - 2011, SAP-VN đã hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho 945 trẻ khuyết tật cơ quan vận động và cấp dụng cụ chỉnh hình cho 361 em. Năm 2014, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Bệnh viện Chỉnh hình - PHCN Quy Nhơn tổ chức khám phân loại cho 144 trẻ em khuyết tật cơ quan vận động; trong đó 33 trẻ được chỉ định phẫu thuật, 6 em được cấp dụng cụ chỉnh hình. Toàn bộ chi phí khám và phẫu thuật do SAP-VN tài trợ. 9 tháng đầu năm 2015, có 172 trẻ được khám, 39 trẻ được chỉ định phẫu thuật, 6 em được cấp dụng cụ chỉnh hình.
SAP-VN (Social Assistance Program for Vietnam - Chương trình cứu trợ xã hội cho Việt Nam) là một tổ chức nhân đạo phi lợi nhuận, phi chính phủ và phi tôn giáo được thành lập năm 1992 bởi một nhóm bạn trẻ thiện nguyện và các chuyên gia, có trụ sở chính đặt tại Garden Grove, bang California, Hoa Kỳ. Trọng tâm hoạt động của SAP-VN là chương trình phẫu thuật chỉnh hình những trẻ bị khuyết tật về chân tay, có thể do bẩm sinh, do tai nạn hay chứng bại não gây ra. Công việc này khởi đầu từ năm 1993, hiện lượng trẻ được trợ giúp đã đạt mức 600-700 trẻ/năm.
Theo bà Trương Thị Thùy Trang, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Bảo vệ - Chăm sóc (BVCS) trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), thông qua hoạt động phẫu thuật PHCN, cung cấp dụng cụ chỉnh hình cho trẻ khuyết tật do SAP-VN tài trợ, trẻ khuyết tật cơ quan vận động ở tỉnh ta có điều kiện được vượt qua tật nguyền, hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những thành công đạt được trong nhiều năm qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện Luật BVCS và giáo dục trẻ em, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, đồng thời thúc đẩy cộng đồng tham gia công tác BVCS trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tiếp nối những thành công đó, các cơ quan được phân công thực hiện Dự án đã và đang tích cực triển khai các hoạt động liên quan. Bà Ngô Thị Thanh Thủy, chuyên viên Phòng BVCS trẻ em cho biết, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 11 lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về BVCS trẻ em cho gần 1.800 cán bộ cấp huyện, xã, thôn làm công tác này trên địa bàn tỉnh. Một trong những nội dung quan trọng của lớp tập huấn là kỹ năng phân biệt các dạng khuyết tật, khảo sát và lập danh sách trẻ khuyết tật cơ quan vận động. Đây là bước chuẩn bị cần thiết để triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án.
Với Bệnh viện Chỉnh hình - PHCN Quy Nhơn- cơ quan phối hợp thực hiện Dự án, các hoạt động khám phân loại, phẫu thuật cho trẻ khuyết tật cơ quan vận động đã là hoạt động thường xuyên. “Chúng tôi đã tham gia phối hợp với SAP-VN từ những ngày đầu triển khai các hoạt động trợ giúp trẻ khuyết tật tại Bình Định. Các bác sĩ đều đã có kinh nghiệm trên lĩnh vực này”, bác sĩ Phan Cảnh Cương, Giám đốc Bệnh viện, chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG