Khát khao được là chính mình
Ngày 24.11, Quốc hội thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó thừa nhận quyền chuyển giới. Đây là tin vui đối với cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Tuy nhiên, hành trình để được sống là chính mình với nhiều người đồng tính vẫn rất khó khăn. Câu chuyện của Hồ Huỳnh Diễm Ngọc, 20 tuổi, sinh viên Trường CĐ Bình Định, đại diện Cộng đồng LGBT Quy Nhơn sau đây là một ví dụ.
Đối với nhiều nữ đồng tính ở TP Quy Nhơn, đấu tranh để được công khai giới tính của mình, được sống như chính mình mong muốn, được xã hội công nhận thực sự là khó khăn, thậm chí là cả sự đánh đổi.
Một buổi sinh hoạt của Cộng đồng LGBT ở TP Quy Nhơn.
Sau 2 năm công khai giới tính thật của mình, tôi vẫn không được ba chấp nhận. Mong muốn ba có dịp nói chuyện với những phụ huynh chấp nhận con mình là đồng tính, hiểu hơn phần nào cuộc sống của người đồng tính, tôi khó khăn lắm mới thuyết phục được ba có mặt tại một chương trình do cộng đồng LGBT Quy Nhơn tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua. Khi đến chương trình, ông cứ chần chừ muốn về, tôi đã bật khóc và nhiều phụ huynh có con đồng tính mời mãi ông mới tham gia. Ba tôi vốn là giáo viên, sống cảnh gà trống nuôi con gần 20 năm nay. Tôi biết, ba tôi đã trải qua một quãng thời gian khó nhọc biết bao khi đi xin sữa về nuôi tôi, chăm lo cho tôi không thua kém bạn bè, dành hết tình cảm của người cha cho đứa con gái, nào ngờ con mình lại sống kiểu không giống ai, khi một mực nhận mình là con trai, khiến ba tôi đau đớn tâm can. Tôi khẩn khoản với ba: “Con xác định giới tính của mình nam nhưng lại trong hình hài của người con gái. Con chỉ mong được sống thật với giới tính của mình, mong ba, người con thương yêu nhất, không phải đau khổ, chấp nhận sự thật này”. Còn ba tôi cũng rớt nước mắt nói: “Tại sao con không là người con gái như hình hài ba mẹ sinh ra. Mỗi trận đòn ba đánh con, cấm cản, thậm chí xé nát mọi thứ để con không mặc đồ con trai khiến ba như bị xát muối vào tim. Ba đau lắm, nghĩ con đua đòi, làm chuyện khác thường vì tuổi mới lớn hay xốc nổi, có lẽ con vì sống thiếu tình thương của mẹ từ lúc lọt lòng nên mới ra nông nỗi này. Thương ba, con cứ là con gái như bao bạn bè không được sao?”.
Vậy là, tôi, cũng như nhiều nữ đồng tính khác trong Cộng đồng LGBT Quy Nhơn, dù được bạn bè ủng hộ nhưng lại đơn độc trong cuộc “đấu tranh” với chính gia đình của mình để được sống đúng với giới tính của mình. Nhiều bạn nữ tự đấu tranh với mình: một là sống cuộc đời của con dù ba mẹ có ghét bỏ, hai là từ bỏ chính mình và sống cuộc đời theo mong muốn của gia đình. Nhưng rồi khát khao cháy bỏng được là chính mình đã chiến thắng. Họ cảm thấy bế tắc vì sự kỳ thị của gia đình, xã hội, thậm chí bị coi là bệnh hoạn. Nhưng có lẽ không gì đau khổ hơn là ngay chính cha mẹ cũng không chấp nhận chuyện đó. Có nhiều bạn nữ dại dột nghĩ đến cách kết liễu đời mình. Hiện nay, Cộng đồng LGBT Quy Nhơn cũng như khắp cả nước đang cố gắng để ít nhất người thân của họ hiểu rằng họ sinh ra không có quyền lựa chọn giới tính cho mình.
Từ ngày Cộng đồng LGBT Quy Nhơn được thành lập đến nay đã kết nối gần 100 bạn trẻ đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới ở Quy Nhơn để giao lưu, hỗ trợ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Khó khăn, áp lực nhất vẫn là các bạn đồng tính nữ. Song, với sự hỗ trợ của Trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam), PFLAG (Hội phụ huynh và người thân của người đồng tính, song tính và chuyển giới Việt Nam), nhiều bạn tự tin hơn và xác định rằng họ phải luôn hòa đồng với cuộc sống xung quanh, sống chân thành và sống có ích cho xã hội. Nhiều nữ đồng tính quan niệm bản thân luôn phải cố gắng khẳng định mình trong học tập và công việc, bởi đó là một trong những cách để giảm sự kỳ thị và giúp mình tự tin hơn.
CÔNG HIẾU (ghi)
“Đối với những người đồng tính nữ, sự định kiến nặng gấp hai lần so với những người đồng tính nam vì ngoài việc phải chịu định kiến về đồng tính, họ còn phải mang định kiến giới. Trong khi đó, đa số phụ huynh đều có quan niệm đồng tính là một căn bệnh, một vấn đề xấu. Khi biết con mình bị đồng tính nữ, họ hành động như ngăn cấm quyết liệt, đồng thời thuyết phục, hướng con đi theo lẽ thường như lấy chồng, để tóc dài, mặc trang phục nữ tính... Chính sự phản đối gay gắt của cha mẹ đã gây căng thẳng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ. Vì vậy, sự ủng hộ của những người thân, nhất là cha mẹ mới có thể giúp họ có niềm tin vượt qua những định kiến xã hội”.
Bà Đinh Thị Bích Ly, Chủ tịch Hội PFLAG Việt Nam